'Không thể cùng nhau suốt kiếp' của Hoà Minzy: Khi phần nhìn lấn át phần nghe

Hòa Minzy được khuyên nên đi đóng phim thay vì ca hát sau diễn xuất nhập tâm ở MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”
Hòa Minzy được khuyên nên đi đóng phim thay vì ca hát sau diễn xuất nhập tâm ở MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”
TP - “Không thể cùng nhau suốt kiếp” là sản phẩm âm nhạc mới nhất của ca sĩ Hòa Minzy và đang là một trong những MV đứng đầu bảng xếp hạng nhạc Việt. MV ghi điểm về mặt nội dung, hình ảnh, cảnh quay đặc sắc nhưng lại bị chê bai về âm nhạc. Câu chuyện này một lần nữa xới lại vấn đề của nhạc Việt vài năm gần đây: phần nhìn lấn át phần nghe.

Gì cũng hay trừ… hát

“Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy mới ra mắt không lâu nhưng đã gây “sốt xình xịch” với hình ảnh đẹp mắt, nội dung câu chuyện về mối tình nhiều day dứt của Nam Phương hoàng hậu dành cho vua Bảo Đại. Hòa Minzy thủ luôn vai nữ chính. Diễn xuất nhập tâm của cô được khen ngợi khi khắc họa được nỗi đau của người phụ nữ hoàng tộc giữa sóng gió cuộc đời. MV được đánh giá là sự trở lại ngoạn mục của Hòa Minzy. Tuy nhiên, bài hát không thực sự thu hút, phần giai điệu khá bình thường so với các bản ballad khác, giọng hát của Hòa Minzy đôi khi còn bị lấn át.

Streamer ViruSs, nhà sản xuất âm nhạc đồng thời là nhạc sĩ sáng tác nhiều bản hit thời gian qua, đã thẳng thắn nhận xét: “MV này quá thành công về mặt ý tưởng, câu chuyện lịch sử nhưng phần âm thanh bị đánh giá thấp… Cứ để phần hình ảnh lấn át âm thanh, giọng hát thì vai trò ca sĩ là số không”. Anh cho rằng giọng hát của Hòa Minzy ở MV lần này bị yếu và mờ nhạt. Đồng tình với ViruSs, nhiều người thậm chí khuyên Hòa Minzy nên thử đi đóng phim, còn hát thì… thôi.

“Không thể cùng em suốt kiếp” không phải là trường hợp duy nhất ở Vpop. Rất nhiều MV đình đám từng lọt Top bảng xếp hạng nhạc Việt trước đó như: “Anh ơi ở lại” (Chipu), “Tự tâm” (Nguyễn Trần Trung Quân), “Anh đang ở đâu đấy anh” (Hương Giang)… đều nhanh chóng triệu view sau thời gian ngắn phát hành. Và đều bị chê hát dở.

Một trường hợp nữa mới đây là “Tặng anh cho cô ấy” của ca sĩ Hương Giang, trở thành MV thống lĩnh Top 1 Trending YouTube nhanh nhất lịch sử Vpop chỉ sau 4 tiếng lên sàn. Chưa nói đến chất giọng không có gì đặc biệt, thậm chí phô chênh nhiều chỗ của Hương Giang, mà bản chất MV này chỉ như một bản nhặt nhạnh, cắt xén từ loạt MV trước đó của cô... Câu chuyện này khiến cho cái mác “Top Trending YouTube” càng trở nên “kém sang” trong mắt nhiều người.

Âm nhạc dần “bán mình” cho lượt xem

Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm quốc tế (IFPI), từ năm 2018 đến nay, lượt xem video âm nhạc trên YouTube nhiều hơn lượt nghe nhạc của tất cả các nền tảng nghe nhạc trực tuyến cộng lại. Tức là khán giả bây giờ thích xem MV hơn nghe nhạc.

Ngày xưa, để làm MV, ca sĩ phải cân nhắc, chọn lựa những ca khúc hay nhất, ưng ý nhất. Giờ, một ca khúc chất lượng tàm tạm cũng được chọn làm MV, chỉ cần câu chuyện trong MV có khả năng “tạo sóng”. Nhiều ca khúc chất lượng, vì thế bị “chết yểu”, chỉ vì chủ nhân không đủ mạnh về tài chính để sản xuất MV hoặc nội dung ca khúc không có câu chuyện hút khách.

Năm 2016, Soobin Hoàng Sơn phát hành bản thu ca khúc “Phía sau một cô gái”, khiến sự nghiệp thăng hoa. Tuy nhiên, MV của ca khúc này ra đời sau đó lại không hề thành công như bản thu. Người ta chê bai, xì xào về diễn xuất đơ cứng của nam ca sĩ trong MV, mà lờ đi phần âm nhạc. Sự thất bại của MV khiến Hoàng Sơn gần như “đóng băng” sự nghiệp một thời gian.

Đó cũng là lúc nhạc Việt phơi bày sự thật: Đáng lẽ chỉ là một phần của sản phẩm âm nhạc, thì MV lại trở thành tất cả, là yếu tố đánh giá thành bại của một ca khúc, đánh giá khả năng người hát. Nhiều ca sĩ bắt đầu xác định MV là chiến lược “sống còn” cho con đường âm nhạc của mình.

MV ca nhạc thời YouTube là sự lên ngôi của kịch bản gay cấn, nội dung gây tranh cãi, liên quan đến những chủ đề nhạy cảm càng tốt, như: người thứ 3, ngoại tình, tình yêu đồng giới, chuyện tâm linh, ma mị, hoặc nhiều MV chọn cái kết lửng lơ để người xem tha hồ bình phẩm, đồn đoán.

Muốn sản xuất MV tạo sóng, phải mạnh tay chi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Lúc này, các nhãn hàng chỉ cần tài trợ một khoản tiền tương đối là có thể kiểm soát thông điệp của MV. Âm nhạc vì thế cũng méo mó dần.

Hồ Ngọc Hà từng khiến công chúng thất vọng với MV “Vẻ đẹp 4.0”, khi từ nội dung bài hát cho tới kịch bản MV đều phục vụ nhà tài trợ. Hay như gần đây, người ta nói Tiki đang thống trị cả thị trường MV Việt. Cũng không ngoa. Bởi hàng loạt MV đình đám như “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” của Min, “Anh ta là sao?” của Erik, “Anh ơi ở lại?” của Chipu, “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc… và nhiều MV âm nhạc nữa… luôn xuất hiện hình ảnh một gói hàng của Tiki với thông điệp “cần là có ngay”.

Nói về nhạc Việt hiện nay, ca sĩ Phương Thanh, người đã có 30 năm đi hát, phải thốt lên: “Chính xác là hiện tại người ta không nghe hát”. 

“Nên dung hòa được cả phần nghe lẫn phần nhìn mới là nhiệm vụ của một sản phẩm nghệ thuật cần làm”.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định

MỚI - NÓNG