Sách ngôn tình cung đấu Việt lên ngôi

Phim cung đấu Phượng Khấu bị chê dở
Phim cung đấu Phượng Khấu bị chê dở
TP - “Phượng Khấu” - bộ phim đầu tiên về đề tài cung đấu “made in Vietnam” đã không đạt được thành công như mong muốn. Sự thất vọng của khán giả khiến họ quay ra tìm kiếm những câu chuyện tương tự, nhưng ở mảng văn học.

Không ngờ, những đề cử truyện cung đấu Việt Nam trên các diễn đàn đọc lại nhận được sự ủng hộ rất lớn, hầu hết các tiểu thuyết đều được chấm 5 sao (điểm cao nhất).

Truyện hay hơn phim

“Nếu không nhờ “Phượng Khấu”, tôi đã không tìm đọc Trường An” – bạn đọc Nguyên Hà viết trên trang Goodreads (trang dành cho những người đọc sách phổ biến nhất hiện nay).

Trường An là một tác giả 8X đang sống tại TPHCM, chuyên viết về đề tài lịch sử.  Tác giả này khá kín tiếng trên truyền thông nên các fan rất tò mò về đời tư của cô. Một biên tập viên của NXB Phụ Nữ (đơn vị xuất bản những tác phẩm của Trường An) tiết lộ: tác giả không muốn lộ mặt phỏng vấn. Chính thân thế có phần thần bí của Trường An khiến cho các tác phẩm của cô thêm kích thích độc giả tìm hiểu.

Trường An nổi tiếng nhất trong giới thích ngôn tình ở bộ ba tác phẩm: Vũ tịch, Hồ Dương và Thiên hạ chi vương. Nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả bộ truyện sử nổi tiếng “Bão táp triều Trần”) khẳng định, tư liệu chính sử và dã sử Việt Nam không thiếu những câu chuyện hay, hấp dẫn, chỉ là có quá ít người, nhất là người viết trẻ thích “húc đầu” vào mảnh đất khó xơi này.

“Vũ tịch” của Trường An kể về con gái út vua Lê Hiển Tông, công chúa cuối cùng của triều Lê, sau này là chính cung Hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, và cuối đời trở thành Đức Phi của vua Gia Long Nguyễn Ánh. Cuộc đời nhiều thăng trầm của người phụ nữ này là cơn cớ cho những câu ca lưu truyền rộng rãi trong dân gian: “Gái đâu có gái lạ đời/ Con vua lại lấy hai đời chồng vua”.
Bạn đọc Toàn Phan đánh giá: “Cuốn này là cuốn sách hiếm hoi làm tôi mê mẩn sững sờ hồi năm ngoái. Đọc xong tôi chụp hình làm liền một bài review dài thoòng, cũng được một vốc like”.

Nick Mã Phong bình luận: “Tựa truyện không thu hút, bìa sách nhìn hơi sến, tác giả cũng lạ, nhưng nội dung siêu hay, vượt ngoài mong đợi, hay hơn phim cung đấu Việt nhiều”.

Có một dòng sách mới về cung đấu Việt

Sách ngôn tình cung đấu Việt lên ngôi ảnh 1 Bộ sách cung đấu của tác giả trẻ Trường An

Cũng trong những ngày này bộ “Từ Dụ thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai lại lần nữa được tìm kiếm rất nhiều. Tác giả “Trăng nơi đáy giếng” từng chia sẻ, sở dĩ chị viết truyện theo xu hướng ngôn tình vì muốn giới trẻ chú ý hơn đến lịch sử. Nhà văn hiện đang sống tại Mỹ theo dõi rất sát thói quen đọc của độc giả trẻ và nhận ra rằng, thông qua con đường ngôn tình sẽ dễ “nói chuyện” hơn là cách viết sử truyền thống.

Nhân vật thái hậu Từ Dụ được Trần Thùy Mai chọn cũng có thân thế khá đặc biệt: Bà là con dâu vua Minh Mạng, vợ vua Thiệu Trị và mẹ vua Tự Đức, một nhân vật trọng tâm của ba triều vua với rất nhiều công đức được ca tụng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đề tài hậu cung trong lịch sử Việt Nam chưa được khai thác nhiều, nhưng không có nghĩa là nó thiếu phức tạp, gay cấn... Rất nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam có cả tầm vóc lẫn sự hấp dẫn đời tư để có thể đảm đương cả một bộ trường thiên tiểu thuyết hay phim truyền hình dài tập.

Cho đến nay, tất cả những tác phẩm cung đấu Việt được độc giả chấm nhiều sao đều có điểm chung ở lối viết mượt mà, cách kể hấp dẫn, giàu kịch tính. Nhiều nghi án lịch sử được các nhà văn tưởng tượng và dựng lại như: vụ án Mỹ Đường (con hoàng tử Cảnh) thông dâm với mẹ ruột; nghi án vua Tự Đức là con của thái hậu Từ Dụ và Trương Đăng Quế… tạo cảm hứng cho những tác giả mới tiếp tục sáng tác tuy chưa được xuất bản. Điều đáng nói, dòng cung đấu nội địa phổ biến trên các trang web đọc truyện hiện nay có xu hướng lấn át các thể loại khác.

Trâm Anh (một tác giả ngôn tình Việt) cho biết: “Khi lần giở lại sử Việt tôi thấy rất nhiều chất liệu hay để dựng thành cung đấu. Nhờ tìm tư liệu tôi mới tường tận những câu chuyện về chín chúa mười ba vua của triều Nguyễn. Nhưng nói thật, đọc chính sử rất khô, khó nhớ, tôi luôn bị nhầm lẫn giữa các vị này. Hiện tôi và một số bạn đang chạy một dự án truyện cung đấu triều Nguyễn, đem các tư liệu chính sử làm mềm đi, thêm tưởng tượng và tình sử. Lượng người xem hiện đang rất khả quan và chúng tôi dự định sẽ kéo dài các chương thay vì 40 như dự tính trước đó”. Tiết lộ thêm là dự án truyện cung đấu này của nhóm Trâm Anh hiện đã được một đơn vị xuất bản “dấm” sẵn, chỉ chờ truyện hoàn thành là in.

Trên thực tế, một số giám đốc các nhà xuất bản cho biết, họ khá dè dặt với mảng sách này vì lo đụng chạm và lo các tác giả “bay” quá đà. Song một số khác, như bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ Nữ thì lại hoan nghênh. Bà Phượng khẳng định: “Từ lâu chúng tôi đã muốn có thêm nhiều tiểu thuyết lịch sử, nhất là về triều Nguyễn. Trước đó, hai tác giả viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải đã được chúng tôi đặt hàng tiểu thuyết lịch sử nhưng các bác đều nói rằng, bây giờ đã có tuổi, có lòng nhưng không có lực. Chỉ cần tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, dễ đọc, được tiếp cận dưới vỏ bọc tình yêu và thân phận... chúng tôi đều hoan nghênh”.

MỚI - NÓNG