Cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc nói rằng đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ tư lệnh phía nam vừa hoàn thành bài tập trinh sát cảnh báo sớm.
“Khác với những bài tập được thực hiện năm ngoái về trinh sát cảnh báo sớm, đợt diễn tập này diễn ra trong thời gian dài hơn, được đặt chế độ đối đầu ngay từ đầu và chú trọng huấn luyện ban đêm”, ông Yan Liang, tư lệnh một đơn vị không được nêu tên được tờ báo dẫn lời.
“Bài tập này liên tục thách thức các giới hạn của các quân nhân và trang thiết bị, giúp tăng cường năng lực chiến đấu trong tình huống khẩn cấp của quân đội”, ông Yan nói.
Cuộc diễn tập này được tổ chức vào giữa tháng 11, huy động 2 nhóm máy bay chiến đấu. Trong đó, nhóm máy bay đầu tiên chia sẻ thông tin tình báo với nhóm thứ hai để nhóm thư hai đi tìm kiếm và thu thập thông tin về nhóm mục tiêu trên biển, bài báo viết.
Một sĩ quan không được nêu tên cũng thuộc đơn vị trên nói rằng không quân Trung Quốc đã chuyển từ cách hoạt động bị động sang chủ động. “Giờ thì “khó khăn” và “tin tình báo” đã trở thành những từ thường xuyên được sử dụng trong các bài tập của chúng tôi...và chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết để thoát khỏi những mối đe dọa và rủi ro trong mọi bài tập”, sĩ quan nói.
Cuộc diễn tập lần này khác với những bài tập trước, vì trước đây các máy bay được thông báo trước về “kẻ thù” và “những mối nguy hiểm” mà họ sắp đối mặt, ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói với báo Hong Kong South China Morning Post.
“Đó là sự thay đổi cần thiết cho không quân Trung Quốc khi đã hoàn thành giai đoạn đầu của hiện đại hóa, đòi hỏi năng lực chiến đấu cao hơn trong những tình huống đối đầu sát thực tế”, ông Zhou nói.
Mỹ thực hiện ít nhất 85 chiến dịch tập trận chung với các đồng minh trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2019 nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt trên biển Đông, theo thống kê của sáng kiến Tình hình chiến lược biển Đông, một cơ quan nghiên cứu có liên kết với ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc.
“Thông qua những cuộc diễn tập này, Mỹ đang tăng cường khả năng tương tác với các nước và tăng cường hiện diện quân sự nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc biển”, nghiên cứu đánh giá.
Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, lao vào cuộc chiến thương mại gay gắt từ đầu năm 2018, khiến quan hệ hai bên bị kéo căng trên nhiều mặt trận, bao gồm trao đổi quân sự.
Hai bên vừa đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1” để tiến tới chấm dứt chiến tranh thương mại. Điều này gửi tín hiệu tích cực đến các thị trường chứng khoán khắp thế giới nhưng vẫn còn đó những câu hỏi rằng thỏa thuận này có thể đi xa đến đâu để có thể giảm căng thẳng song phương trên phạm vi rộng hơn.