GS Carlyle Thayer: Năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép để cùng khai thác tài nguyên biển với các thành viên ASEANẢnh: Thái An
GS Thayer cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền vô lý của họ đối với phần lớn diện tích biển Đông bằng cách duy trì sự hiện diện lâu dài của các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển và đội tàu cá ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” vô căn cứ của họ.
“Tuy nhiên, có ít khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía trên quần đảo Trường Sa vì nước này hiện không đủ năng lực thực thi lệnh áp đặt ADIZ”, GS Thayer, chuyên gia kỳ cựu về biển Đông và an ninh châu Á-Thái Bình Dương, nhận định.
Theo ông, năm 2020, Trung Quốc sẽ tập trung vấn đề đàm phán hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của ASEAN và Trung Quốc ở biển Đông (COC). Tháng 8/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sẽ mất 3 năm nữa để hoàn tất đàm phán COC, tức là vào tháng 8/2021. Kể từ đó, Trung Quốc cố thúc đẩy đàm phán COC.
“Trong các cuộc đàm phán này, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép để cùng khai thác tài nguyên biển với các thành viên ASEAN, không cho các nước bên ngoài khu vực tham gia”, GS Thayer dự đoán.
Ông cho rằng, năm 2020, Trung Quốc có thể hành động hung hăng để ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của các công ty dầu khí không có trụ sở ở Đông Nam Á. “Trung Quốc sẽ phối hợp ngoại giao với sức ép của hải cảnh, dân quân biển và đội tàu cá. Họ sẽ duy trì cách thức hiện nay là triển khai một tàu hải cảnh ở nhóm bãi cạn Luconia thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Trung Quốc cũng sẽ duy trì sự hiện diện của họ trong EEZ của Philippines, đặc biệt là ở quanh bãi cạn Scarborough”, ông nhận định. Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ có hành động quấy nhiễu tương tự đối với Việt Nam.
Với tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có vị thế khi thảo luận với các thành viên khác của Hội đồng để thông báo với họ về diễn biến trên biển Đông, ông Thayer nói. Các thành viên khác sẽ phải tương tác và tham vấn với Việt Nam về nhiều vấn đề.