Không nên rải tiền lẻ nơi thờ tự

Người dân có thể dâng cúng tiền công đức tại một nơi, thay vì đổi ra tiền lẻ để rải ở nhiều nơi. Ảnh minh họa
Người dân có thể dâng cúng tiền công đức tại một nơi, thay vì đổi ra tiền lẻ để rải ở nhiều nơi. Ảnh minh họa
TPO - Đó là khuyến cáo của bà Lê Thị Tân Trang, Phó Gám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội tại cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, ngày 14/1.

Theo bà Tân Trang, việc giắt tiền lẻ vào tay tượng và các đồ thờ tự là một thói quen của người hành hương, chiêm bái tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, đây là một thói quen không nên khuyến khích. 


Cũng theo bà Tân Trang, nếu muốn, người dân có thể dâng cúng tiền công đức tại một nơi, thay vì đổi ra tiền lẻ để rải ở nhiều nơi. “Có tâm, Phật, Thánh sẽ chứng. Cá nhân tôi nếu đi lễ, tôi cũng sẽ công đức tại một nơi chứ không nhất thiết phải đổi tiền lẻ rải ra nhiều chỗ”, bà Tân Trang nói.


Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, thói quen đi lễ để cầu xin vận may ăn sâu vào tâm thức nhiều người. “Có người đến đâu cũng đặt tiền lẻ. Thay vì 5 nơi mỗi nơi đặt 10 ngàn, nên công đức 50 ngàn đồng tại một chỗ”, bBà Trang nêu ví dụ và cho rằng nếu rải tiền như cách nhiều người thường làm lâu nay cũng không phải cách hay. Bởi chính do hành vi đó, có thể người xấu sẽ lợi dụng việc đó mà nảy lòng tham. Như vậy chính mình đã gieo một “nghiệp” xấu...

Cũng tại cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy mới đây, Đại Đức Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương phản ánh: Một Ngân hàng tại huyện Mỹ Đức đã rất vất vả phải “chở đi chở về 1.200 bao tải tiền lẻ” (ước khoảng 20 tỷ đồng) từ huyện ra Ngân hàng Trung ương, sau mùa lễ hội... Chưa kể, nhiều người có thói quen dâng cúng đồ mặn tại chùa cũng không đúng. Theo Đại đức, hiện nay nạn đốt vàng đã hầu như không còn ở Chùa Hương vì nhà chùa thường có nhắc nhở, nhưng cúng đồ mặn thì vẫn tồn tại do một số người dân chưa bỏ được thói quen (không đúng) khi lễ Phật như vậy.

5 năm chưa phạt ai...

Để giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lễ, hội dịp tết xuân năm nay, Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL Nguyễn Thanh Phong cho biết cơ quan này kiên trì áp dụng các biện pháp từ tuyên truyền, vận động, cho đến xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với văn hóa phẩm ngoài luồng, nạn đốt vàng, mã tràn lan...Tuy nhiên, ông Phong cho biết, từ khi phụ trách lĩnh vực này, 5 năm qua Thanh tra chưa xử lý một vụ đốt vàng, mã, tiền âm phủ nào bởi việc này rất tế nhị. Đối với sách mê tín dị đoan, sóc thẻ, bói toán..nếu xuất hiện trong khuôn viên di tích, ban quản lý phải chịu trách nhiệm trước tiên. “Năm nào chúng tôi cũng vào cuộc để làm, nhưng nếu ý thức của người dân không có những thay đổi, thì cũng không thể nào làm triệt để được” – Ông Phong thừa nhận.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL nhấn mạnh rằng, người dân khi hành hương, chiêm bái lễ Phật không nên giắt tiền vào tay tượng và các đồ thờ tự, bởi đó là hành vi không mấy văn hóa và cũng không thật đúng về mặt tâm linh.

“Bên cạnh việc tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống, các lễ hội tôn giáo đều phải đảm bảo diễn ra đúng quy định, trang trọng, lành mạnh, có phương án giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc” – Phó Giám đốc Lê Thị Tân Trang.

MỚI - NÓNG