Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ VN cho biết: Dự kiến trong tháng 9 tới, Tổng Cục đường bộ sẽ sửa xong Thông tư 46 để Bộ GTVT xem xét ban hành thông tư sửa đổi về việc bổ sung thêm chương trình đào tạo và cấp GPLX số tự động.
Theo thông tư sửa đổi, ngoài các loại bằng hiện có, sẽ có thêm bằng mới ghi rõ loại xe số tự động.
“Ngày càng nhiều người dân có nhu cầu sử dụng xe số tự đông nên ngành giao thông vận tải đã nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46. Thông tư này nêu rõ những người có GPLX số tự động sẽ không được lái xe số sàn, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật”, ông Huyện nói.
Ông Huyện cũng cho biết, Tổng Cục đường bộ đã yêu cầu Vụ phương tiện người lái chỉ đạo các trung tâm sát hạch, trường đào tạo cấp GPLX chuẩn bị tinh thần khi thông tư ra đời phải điều chỉnh tăng giờ đào tạo số tự động lên.
“Cụ thể tăng thời giờ đào tạo số tự động bao nhiêu thông tư sửa đổi sẽ quy định cụ thể. Nhưng người có yêu cầu học số tự động sẽ không phải học số sàn nên thời gian học và chi phí cũng sẽ giảm so với bằng lái xe thông thường”, ông Huyện cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN đánh giá, việc sửa đổi Thông tư 46 để cấp riêng GPLX số tự động của Tổng Cục Đường bộ xây dựng sửa đổi, thực chất là để đáp ứng từ nhu cầu thực tế ngày càng nhiều người có nhu cầu học lái xe số tự động. Nhất là đối tượng phụ nữ thường lái xe số tự động từ 2-4 chỗ ngồi.
Theo ông Thanh, có nhu cầu thực tế như vậy nên việc sửa đổi cấp riêng một loại GPLX số tự động là cần thiết, đáp ứng đúng yêu cầu người dân.
“Đúng là cấp riêng GPLX số tự động có thêm thủ tục lằng nhằng nhưng có người bảo: tôi chỉ đi xe số tự động không đi xe số sàn cớ gì tôi phải đi học xe số sàn để làm gì. Do vậy, Tổng cục đường bộ đi theo hướng phục vụ người dân nên đưa ra đào tạo loại GPLX số tự động”, ông Thanh nêu thực tế.
Ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, có thể quy định việc đào tạo và thi cấp GPLX đối với xe số tự động, như vậy, người thi có quyền lựa chọn thi loại GPLX nào phù hợp.
Tuy nhiên, người thi lấy GPLX số tự động sẽ phải chấp nhận việc một số nước không cấp GPLX số tự động không chấp nhận loại giấy phép này.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, học lái xe số sàn có tính chất truyền thống cơ bản và lái xe chuyên nghiệp đều phải học qua số sàn.
“Lái số sàn có nghĩa là chạy tốc độ nào thì vào số đó và cắt côn an toàn. Nguyên lý học lái xe nên học số sàn trước, sau khi học cơ bản số sàn rồi mới chuyển sang số tự động, nếu không anh học số tự động xong chuyển sang lái số sàn sẽ rất là nguy hiểm”, ông Liên nói.
Từ phân tích trên, ông Liên cho rằng, không nên quy định 2 loại bằng, mà người dân khi học lái xe bao giờ cũng nên bắt đầu học số sàn trước, sau khi học cơ bản số sàn sẽ bổ túc tăng thời gian học số tự động lên từ 20-30 tiếng.
Như vậy, người dân vẫn có thể sử dụng một loại bằng nhưng lái được cả 2 loại xe số sàn và số tự động.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ô tô riêng cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc học và sát hạch lái xe, phù hợp xu hướng phát triển ở một số nước.
Tuy nhiên, do số lượng các nước áp dụng quy định này chưa nhiều và để thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng GPLX ở trong nước và khi ra nước ngoài cũng như để thực hiện việc phân kỳ đầu tư tại các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông Quyền đề nghị Bộ GTVT không quy định hạng GPLX riêng, nhưng trên GPLX có ghi điều kiện hạn chế phạm vi hoạt động như của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp.