Bỏ chuyên THCS, vì sao ? - Bài 3:

Không nên cấm thi tuyển vào lớp 6

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên cấm thi tuyển vào lớp 6 tại các trường có chất lượng cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên cấm thi tuyển vào lớp 6 tại các trường có chất lượng cao.
TP - Nhiều ý kiến trong cuộc cho rằng, mô hình trường chuyên nên cho phép mở rộng đào tạo chuyên ở cả bậc THCS tránh tình trạng lách luật để tồn tại như hiện nay. Trong khi đó, việc cấm thi tuyển đầu vào ở các trường có chất lượng cũng khiến chất lượng nguồn cho hệ chuyên giảm sút đáng kể.

Chất lượng đầu vào giảm sút

Một giáo viên dạy Toán ở Trường THPT Chuyên Hà Nội Amstersdam cho rằng, thi tuyển hay xét tuyển vào bậc THCS của trường lâu nay đều rất khó đối với học sinh vì tỉ lệ chọi khá cao. Tuy nhiên, giáo viên này cho biết: “Trước đây, khi còn tổ chức thi tuyển, học sinh làm bài thi rất khó và khi vượt qua được bài thi phải là những học sinh có chất lượng thực sự. Đáng buồn là những năm gần đây, chất lượng đầu vào giảm sút trong khi các môn khoa học tự nhiên rất cần các em có sẵn năng lực nổi trội”. Vì thế, khi vào học, nhiều học sinh không theo kịp chương trình giáo viên lại mất rất nhiều thời gian để dạy lại, kèm cặp thêm.

Cũng theo giáo viên này, cấm thi tuyển có nguy cơ đánh đồng năng lực học sinh, thậm chí một số học sinh có năng lực nổi trội nhưng không có cơ hội được vào nơi đáng ra em đó được vào. Ví dụ, học sinh A rất giỏi Toán. Đương nhiên, trong học bạ, học sinh A được xếp loại giỏi. Học sinh B không giỏi nhưng với cách đánh giá hiện nay ở tiểu học, học bạ học sinh B vẫn được đánh giá là giỏi, thậm chí có thêm chứng chỉ các cuộc thi thố khác. Với tiêu chí xét tuyển không có gì làm căn cứ như hiện nay, học sinh B được vào trường chất lượng cao hoặc trường đào tạo nguồn cho trường chuyên trong khi học sinh A lại trượt.

Một giáo viên dạy Toán lâu năm ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) chia sẻ, học sinh vào trường chuyên phải thực sự có năng lực nổi trội ở một lĩnh vực nào đó. Ví dụ, em giỏi Toán, em giỏi Hóa, em giỏi Văn. Mục tiêu của các trường chuyên cũng rất rõ ràng là đào tạo sâu, nâng cao về bộ môn mà học sinh có sẵn năng lực. Khi đó, thầy cô cũng được chọn lọc, chương trình cũng được nâng cao. Trong môi trường chuyên, giáo viên rất mong muốn 100% học sinh có năng lực đồng đều để dạy chuyên sâu. Tuy nhiên, khi có chủ trương không thi tuyển, các lò luyện thi có giảm nóng nhưng chất lượng học sinh cũng đi xuống. “Đồng ý là các trường phải thực hiện chủ trương và nên hạn chế phong trào “chạy suất” vào trường chuyên, luyện thi để vào chuyên nhưng không nên cấm thi tuyển, phỏng vấn đầu vào”, giáo viên này nói.

Không quản được thì… cấm

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, từ khi Bộ giáo dục có chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6, chất lượng học sinh của trường khá chênh lệch. Khi phải dạy những học sinh có năng lực nhận thức quá chênh nhau các giáo viên dạy lớp 6 sẽ rất vất vả.  “Năm đầu tiên, khi mới có chủ trương không thi tuyển, nhà trường tuyển học sinh lớp 6 bằng việc xét tuyển học bạ Tiểu học thì không có học sinh nào đạt điểm 10 tuyệt đối ở tất cả các môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh, Tin học.  Năm nay, trong số các học sinh đăng kí xét tuyển vào lớp 6 của Trường Nguyễn Tất Thành có tới 25 em đạt 10 điểm tuyệt đối tất cả các môn (Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh, Tin học) từ lớp 1 đến lớp 5. Tôi  không hiểu có phải đó là do chất lượng dạy học ở Tiểu học đang tăng lên?”, bà Thu Anh nói.

Cũng theo bà Thu Anh, các trường THCS chất lượng cao có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho đất nước vì học sinh sẽ được đào tạo 4 năm trong một môi trường giáo dục tốt sau đó tiếp tục được đào tạo ở cấp THPT. Vì thế, không nên cấm tổ chức thi tuyển học sinh ở bậc THCS. Quan điểm vì tránh dạy thêm, học thêm nên cấm thi tuyển vào THCS là cách giải quyết “không quản được thì cấm”. Cha mẹ học sinh trước khi quyết định đăng kí cho con học ở trường nào đều phải tìm hiểu rất kĩ. Họ không dễ bị xúi giục, lôi kéo. Hãy để cho các trường THCS có chất lượng tốt được tổ chức thi tuyển sinh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, một trong những trường nóng tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội lại cho rằng, sau 3 năm bộ bỏ chủ trương thi tuyển, trường cũng dần thích nghi với cách xét tuyển bằng việc đưa ra nhiều tiêu chí để lọc học sinh. Trong khi đó, gần đây ngoài việc cấm thi tuyển, bộ cũng bỏ đi nhiều cuộc thi nên tới đây các trường chất lượng cao, trường chuyên không biết sẽ dựa vào tiêu chí nào để tuyển chọn đầu vào. 

Năm 2015, Bộ GD&ĐT ra quy định “cấm” thi tuyển vào lớp 6 đã gây ra một sự xáo trộn lớn trong việc tuyển sinh đầu cấp ở các trường vốn “nóng” về tuyển sinh. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi đó đã lý giải: “Bộ cấm thi vào lớp 6 là để đảm bảo giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở bậc tiểu học. Các trường chuyên bậc THCS cũng đã được xóa bỏ. Do đó, phải khắc phục những nơi làm biến tướng hoạt động giáo dục theo kiểu trường chuyên, lớp chọn.” Tuy nhiên một chuyên gia giáo dục lại nhìn nhận: “Trường chuyên bậc THCS bị xóa bỏ cách đây 20 năm nhưng trên thực tế một số trường vẫn lách luật, tuyển sinh, đào tạo khối THCS với mục tiêu đào tạo nguồn cho khối chuyên như THPT. Trên danh nghĩa là trường bình thường nhưng thực chất họ đang đào tạo chuyên”.

“Trước đây, khi còn tổ chức thi tuyển, học sinh làm bài thi rất khó và khi vượt qua được bài thi phải là những học sinh có chất lượng thực sự. Đáng buồn là những năm gần đây, chất lượng đầu vào giảm sút trong khi các môn khoa học tự nhiên rất cần các em có sẵn năng lực nổi trội”.            

                Một giáo viên dạy Toán tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amstersdam nhận định

MỚI - NÓNG