- Không sợ bất kỳ ai
Báo chí Nga mới đây dẫn lời chuyên gia Arsen Rean thuộc Học viện An ninh Quốc gia đánh giá nước Nga không phải sợ mối đe dọa đến từ Mỹ và NATO liên quan tới chiến dịch quân sự ở Syria.
Phát biểu trên một chương trình phát thanh, chuyên gia này nói: “Chúng ta có đủ sức mạnh cần thiết để chứng tỏ Liên bang Nga là một cường quốc và chưa bao giờ lo sợ trước bất kỳ ai, nhất là khi chúng ta đang bảo vệ an ninh của mình cùng các đồng minh”.
Đánh giá về chiến dịch không kích của Mỹ ở Syria, ông Rean cho rằng Mỹ không nhằm vào IS. Ông nói: “Hãy nhìn xem! Chỉ trong vài ngày qua không quân của chúng ta đã làm được những gì, bao nhiêu mục tiêu bị tấn công, bao nhiêu kẻ khủng bố bị tiêu diệt. Còn họ (Mỹ-PV) đã làm được những gì trong nửa năm qua? Họ đang làm gì ở đó? Đơn giản là họ đe dọa người dân Syria và tăng cường chống lại Tổng thống Bashar al-Assad”.
Nga không kích 380 "mục tiêu IS" ở Syria
Theo thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria hôm 30/9, Nga đã tiến hành hơn 600 lượt xuất kích, tấn công hơn 380 mục tiêu của IS.
Ngay sau khi Nga công bố thông tin này, liên quân do Mỹ đứng đầu cũng “tức tốc” thông báo rằng chỉ riêng trong ngày 15/10 lực lượng này đã tiến hành 3 cuộc không kích chống IS ở Syria và 21 cuộc oanh kích nhóm phiến quân này ở Iraq.
Tàu chiến Nga ở biển Caspi bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu của IS ở Syria
Liên quan tới thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay không người lái xâm phạm không phận nước này, hãng tin Reuters ngày 16/10 dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, Washington nghi ngờ máy bay bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cùng ngày là một máy bay không người lái của Nga.
Tuy nhiên, hãng Reutes tỏ ra thận trọng khi dẫn tiếp lời quan chức này lưu ý đây mới là thông tin sơ bộ và từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc.
Về phần mình, quân đội Nga cùng ngày khẳng định tất cả số máy bay của nước này tại Syria đã trở về căn cứ an toàn và các máy bay không người lái của họ đang "hoạt động bình thường".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố: "Tất cả các máy bay Nga tại Syria đều đã trở về căn cứ không quân Hmeimim sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Các phương tiện bay không người lái của Nga theo dõi tình hình trên lãnh thổ Syria và tiến hành do thám trên không đều đang hoạt động bình thường".
Nỗi sợ hãi của Washington
Thời gian qua, Mỹ luôn khẳng định chiến dịch không kích chống IS mà Nga đang tiến hành ở Syria ảnh hưởng tới sứ mệnh của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có một sự thật là sự hiện diện của Nga đã buộc quân đội Mỹ phải thích nghi với không gian chiến trường bất ngờ trở nên phức tạp hơn.
Đến nay, Tổng thống Barack Obama vẫn theo đuổi cách tiếp cận thận trọng ở Syria, đó là đánh bom các phần tử thánh chiến IS và kêu gọi sự ra đi của ông Assad.
Báo chí Mỹ cho rằng chiến dịch không kích của nước này ở Syria có thể kéo dài 3 năm và tiêu tốn 10 tỷ USD
Chuyên gia người Mỹ Skinner được truyền thông dẫn lời nói: “Nỗ lực của chúng ta chỉ ở mức ‘vừa đủ để không bị bại trận’. Nga sẽ kéo chúng ta ra khỏi ‘giấc mộng dài một năm qua’ mà ở đó chúng ta vẫn tưởng rằng vấn đề lớn nhất ở Syria là IS, nhưng không một ai khác nghĩ như vậy”.
Ông Skinner nói thêm: “Đây là một cuộc nội chiến - giữa một bên ủng hộ và một bên chống ông Assad, và hiện người ta không tập trung cho cuộc chiến chống IS”.
Ở Mỹ hiện nay, ngày càng nhiều người kêu gọi Washington phải can thiệp vào cuộc chiến ở Syria kéo dài hơn 4 năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người, buộc hàng triệu người tị nạn tha hương.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama loa ngại bị kéo vào một “vũng lầy” khác ở Trung Đông sau Iraq, nơi liên minh do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ ông Saddam Hussein năm 2003 để rồi sau đó chứng kiến đất nước này chìm vào các cuộc bạo lực phe phái.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, người từ lâu đã chỉ trích cách hành xử của ông Obama ở Syria, mới đây đã kêu gọi Mỹ mở rộng quy mô cuộc can thiệp, thiết lập vùng an toàn cho người Syria và các phần tử đối lập ôn hòa, thậm chí xem xét việc điều động quân đội.
Ông McCain viết trong một bài bình luận: “Những vùng đất này phải được bảo vệ bởi lực lượng không quân của Mỹ và liên minh, và có thể là cả lực lượng lục quân nước ngoài. Chúng ta không nên loại trừ khả năng rằng các lực lượng của Mỹ có thể đóng vai trò có giới hạn trong tác chiến trên bộ”.
Ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton cũng nhắc lại lời kêu gọi của ông McCain về một vùng cấm bay trong cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ tuần này.
Sa lầy từ trên không
Bất chấp những lời kêu gọi, chính quyền Obama vẫn chưa có dấu hiệu đưa ra thay đổi chính thức nào. Ngày 14/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhắc lại: “Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi chiến dịch chống IS với quyết tâm và trong phạm vi chiến đấu không đổi kể từ khi chúng ta bắt đầu chiến dịch ở Syria”.
Dù Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh rằng ông sẽ không để Syria trở thành “cuộc chiến ủy nhiệm” của Nga, nhưng thực tế thì Mỹ cũng đang khiến cuộc chiến này trở thành “ủy nhiệm”. Bản thân Mỹ trực tiếp huấn luyện và vũ trang các phần tử nổi dậy mà Mỹ tự coi là ôn hòa ở Syria để chống lại lực lượng của chính phủ.
Tên lửa TOW ở Syria
Chính báo chí Mỹ tiết lộ phe nổi dậy đã sử dụng các tên lửa TOW, ban đầu được Mỹ sản xuất hồi những năm 1970, để chống lại các xe tăng do Nga chế tạo của chính phủ Assad.
Việc tên lửa do Mỹ chế tạo đang phá hủy các xe tăng do Nga sản xuất là lý do khiến các nhà quan sát cho rằng Mỹ dường như đang bước vào cuộc chiến ủy nhiệm với Nga.
Thế bí của Mỹ lúc này nằm ở chỗ họ khó có thể mở rộng quy mô chiến dịch không kích ở Syria và càng không thể triển khai lực lượng trên bộ tới đây.
Máy bay F-16 của Mỹ xuất kích từ một căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trên mặt đất, những lực lượng mà Mỹ huấn luyện và trang bị tỏ ra không đáng tin cậy thì ngược lại Nga đang có một đồng minh dần “hồi sinh” là lực lượng chính phủ Syria. Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân chính phủ Syria liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng.
Không thể tăng cường can thiệp quân sự, nhưng cũng không thể rút lui ngay lập tức vào thời điểm này, Mỹ đang cố gắng để “không bị bại trận” như chính lời của một nhà phân tích người Mỹ đã nói ở phần trên.
Mỹ tránh sa lầy trên mặt đất nhưng thực tế lại đang sa lầy từ trên không!