Không hiệu quả, nên 'cắn răng' cắt bỏ

Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên đã “đắp chiếu” hơn 4 năm nay và chưa biết số phận về đâu?
Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên đã “đắp chiếu” hơn 4 năm nay và chưa biết số phận về đâu?
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngân sách nhà nước đang khó khăn, phải rà soát lại đầu tư công. Những dự án đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả nên mạnh tay cắt giảm.

Điển hình như dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, theo TS Nguyễn Đình Cung phải “chịu đau” để cắt giảm, dừng rót thêm vốn. Cho dù số tiền đầu tư đã giải ngân vào dự án đó có lớn cỡ nào hãy xem như một khoản lỗ, giờ phải cắt lỗ, đừng để đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi về sau lại gánh thêm lỗ. Nếu bán được cho tư nhân đầu tư tiếp, theo ông Cung là phương án tốt nhất.

Tuy nhiên, để làm được điều này, theo người đứng đầu Viện CIEM, không nên quay lại quy trách nhiệm cho ai về khoản đầu tư trước đó, vì nếu quy trách nhiệm sẽ không ai dám cắt bỏ dự án đó. Khi đó, những dự án lãng phí, không hiệu quả đã trót đầu tư sẽ không bao giờ bị cắt bỏ, ngân sách càng thêm nặng gánh.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cũng đồng tình với phương án dừng những dự án “trót” đầu tư dở dang, nhưng thấy không hiệu quả, lãng phí. Như Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dù đã giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng, nếu không hiệu quả nên dừng lại, chấp nhận bỏ số tiền đó. “Thà rằng như thế (dừng đầu tư - PV) vẫn hơn cố gắng đầu tư tiếp để khi hoạt động phải gánh thêm lỗ. Chúng ta đã có rất nhiều bài học từ những dự án “cố đấm ăn xôi” như vậy. Khi đã làm phải làm quyết liệt, nhà nước không đầu tư tiếp nữa, còn muốn tiếp tục anh tự đi tìm các nhà đầu tư khác, trong hoặc ngoài nước cũng được”, ông Hồ nói. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công, dừng hay đầu tư tiếp đều phải rõ ràng.

MỚI - NÓNG