Bộ TN&MT từ tháng 4/2020 có hướng dẫn cắt giảm 85% số lượng báo cáo về môi trường cho doanh nghiệp. Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cũng cho biết, trước đây, lĩnh vực môi trường là lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện so với các lĩnh vực khác còn lại của bộ này.
Đề xuất cắt giảm thủ tục báo cáo được cụ thể hóa trong đề xuất khi bộ soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 40. Thông tin “giảm sức ép” lên doanh nghiệp bằng việc cắt giảm các thủ tục này thật đáng mừng.
Công bằng mà nói, pháp luật về môi trường có nhiều thay đổi, trong đó có tích cực. Song cũng có những quy định vẫn còn “không giống ai”.
Quy định về việc doanh nghiệp phải xây bể/hồ sự cố trong Nghị định 40 năm 2019 là một trong những hạn sạn to tướng là một ví dụ. Ở các nước, cơ quan quản lý chỉ yêu cầu một số doanh nghiệp nhất định phải có hệ thống phòng ngừa sự cố. Song, sử dụng biện pháp nào để phòng ngừa sự cố, công trình hay phi công trình thì quyền quyết định thuộc về doanh nghiệp.
Điều này trái với thực tế ở nước ta, những người lập, tư vấn chính sách lại chủ động hướng doanh nghiệp (đối tượng điều chỉnh) phải theo một giải pháp công trình duy nhất, dù giải pháp đó trong mắt các chuyên gia là chỉ gây “tốn kém nhất” cho doanh nghiệp và là giải pháp “ít thông minh nhất”.
Cũng tại nghị định 40 này, quy định về lấy mẫu tổ hợp, đánh giá hiệu quả trong từng công đoạn tiếp tục được TS Tô Văn Trường, chuyên gia uy tín về môi trường cho rằng, đó là điều “phi lý, can thiệp vào nội bộ quy trình công nghệ sản xuất, không nước nào làm như vậy”.
Thực tế nhiều năm qua, ở nước ta có không ít chính sách môi trường được xếp vào nhóm “không nước nào trên thế giới làm như vậy”, điển hình là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây được coi là công cụ dự báo tác động môi trường, được làm ở giai đoạn chuẩn bị dự án.
Do đó, thông tin về dự án mới chỉ là sơ bộ, chưa có thiết kế xây dựng, thiết kế kỹ thuật chi tiết. Thực tế, ĐTM nhằm phục vụ việc phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ có giá trị đến khi dự án được triển khai xây dựng.
Thế mà trong cả một giai đoạn dài, ĐTM lại được coi là công cụ vạn năng, quản lý toàn bộ vòng đời của dự án có khi đến 10 năm, 20 năm. Sự phi lý này được các chuyên gia nói rất nhiều nhưng chỉ đến khi Luật Bảo vệ Môi trường được dự thảo (dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối năm nay), ĐTM mới được trả về đúng vị trí của nó.
Năm 2018, khi Tổng cục Môi trường tiến hành dự thảo lại Quy chuẩn nước thải ngành thép đã nâng từ 12 chỉ tiêu lên tới 27 chỉ tiêu, nhiều hơn số chỉ tiêu theo quy chuẩn của Nhật Bản, Hàn Quốc. Một số chỉ tiêu cũng ngặt nghèo hơn hẳn Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này khiến đại diện các doanh nghiệp băn khoăn về tính khả thi của quy chuẩn.
Nhiều chuyên gia nói rằng, tư duy chính sách của thế giới đã rất mở, trình độ soạn thảo, tư vấn chính sách của nhiều chuyên gia ở Việt Nam đã rất cao, song không hiểu sao, nhiều bộ, ngành vẫn cho ra quy định lập lờ, gây sự với doanh nghiệp.
Nghị định 40/2019 của Bộ TN&MT soạn thảo trình đúng là “khúc xương” khó nuốt, phải sửa đổi, song nếu không có tổ công tác của Thủ tướng lắng nghe ý kiến nhiều bên thì những “hạt sạn” chính sách đó đã đè chết không ít doanh nghiệp trước thời Covid 19 rồi.