Cùng một số tiền, bệnh nhân được khám chữa tốt hơn 3 lần
Đây là một trong những chia sẻ về vai trò của AI trong y tế tại Hội thảo ứng dụng AI trong ngành y tế diễn ra chiều qua (22/2).
Ở Việt Nam, ứng dụng AI trong y tế còn khá mới mẻ song đây đang là ngành phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse của Pháp, AI đang làm thay đổi thế giới về mọi mặt với tốc độ tăng trưởng 36%/năm, từ 16 tỷ USD năm 2017 lên 200 tỷ USD vào 2025. Trong đó, y tế là một trong những lĩnh vực có nhiều ứng dụng AI nhất, phát triển mạnh nhất, dự báo làm thay đổi toàn bộ ngành y tế những năm tới.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy, ứng dụng AI sẽ giảm chi phí khám bệnh 50% đồng thời tăng hiệu quả khám chữa bệnh 40%. AI giúp giảm chi phí khám bệnh 150 tỷ USD ở Mỹ và 500 tỷ USD trên thế giới vào 2026. Tính tổng lại thì cùng một số tiền bỏ ra, bệnh nhân được khám chữa tốt hơn gấp 3 lần nhờ AI.
Một số sản phẩm AI trong y tế nổi bật thế giới hiện nay như ứng dụng của IBM Watson trong điều trị ung thư, ứng dụng Kheiron Medical giúp xử lý nhanh gấp 30 lần, chính xác 99% phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh ung thư. Ứng dụng AI của công ty Exscentia có thể cắt giảm ba phần tư thời gian và chi phí phát triển thuốc mới. Ứng dụng y tá ảo Molly giúp thay thế một phần con người thật trong công việc của người y tá.
GS Dũng chia sẻ thêm, “AI hay là chết” là khẩu hiệu được nhiều ông lớn trong ngành CNTT đặt ra, nếu không có chính sách đầu tư AI sớm thì sẽ trở lên lạc hậu. Trên 85% bệnh viện, công ty biotech và tech ở Mỹ đã có chính sách đầu tư vào AI với mức đầu tư trung bình 55 triệu USD một dự án.
Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế chia sẻ, để y tế Việt Nam không tụt xa so với thế giới, chúng ta phải ứng dụng và ứng dụng thành công AI. Bộ rất kỳ vọng các doanh nghiệp công nghệ sẽ đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực y tế. Ông Viết chia sẻ thêm, rất nhiều phần mềm và hệ thống công nghệ thông tin hiện nay đã có một phần AI, được ứng dụng hiệu quả trong y tế.
“Mỏ vàng” để phát triển AI tại Việt Nam
Trước đó, tại Hội thảo phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam diễn ra tháng 8/2018, thu hút chuyên gia AI người Việt hàng đầu thế giới, nhiều chuyên gia đồng tình Việt Nam nên ứng dụng AI trong y tế. TS Trần Đặng Minh Trí, đồng sáng lập Công ty Harrison-AI tại Úc chia sẻ, với số lượng người bệnh khổng lồ, mỗi bệnh viện ở nước ta tạo ra hàng ngàn điểm dữ liệu như hình ảnh chụp X-Ray, MRI, CT, các xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin bệnh lý. Đây là “mỏ vàng” để phát triển công nghệ AI chẩn đoán bệnh trong tương lai.
Ứng dụng AI sẽ mang lại những lợi ích gì cho y tế Việt Nam? PGS.TS Đinh Văn Hân, Viện bỏng Quốc gia chia sẻ, AI có thể mang lại lợi ích trong cả khám bệnh, chuẩn đoán điều trị và đào tạo y tế. Ông lấy ví dụ, trong khám bệnh, việc xử lý hình ảnh như X-quang, CT rất quan trọng. Trên thế giới, AI có thể hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán hình ảnh với mức độ chính xác cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
AI cũng có thể hỗ trợ giảm sai sót trong lâm sàng. PGS Hân chia sẻ, sai sót trong lâm sàng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 sau ung thư và tim mạch tại Mỹ. Tại Việt Nam chưa có thống kê song con số này lớn. Sự hỗ trợ của AI được chứng minh là giúp giảm sai sót lâm sàng. AI cũng được chứng minh có thể tăng năng suất khám bệnh hay hỗ trợ tốt trong đào tạo sinh viên ngành y. Ví dụ ở Anh, mỗi bác sỹ chỉ khám tối đa 10 bệnh nhân một ngày trong khi Việt Nam, bác sỹ có thể khám tới 65 bệnh nhân một ngày. Việc này chỉ được giải quyết nếu áp dụng AI trong y tế.
Tại hội thảo, một số ứng dụng AI trong y tế có thể áp dụng tại Việt Nam được giới thiệu như ứng dụng AI trong phân tích chuẩn đoán bệnh về da, ung thư da hay ứng dụng AI trong phân tích chuẩn đoán cơ mỡ qua hình ảnh CT.
Một vấn đề được đặt ra tại hội thảo là AI trong y tế sẽ tác động như nào đến bác sỹ và bệnh nhân? Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, bác sỹ không lo thất nghiệp và ngành y không lo thất thu bởi y tế là ngành luôn phát triển, người dân càng giàu có càng quan tâm nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, AI sẽ khiến nhân sự ngành y phải thay đổi cách làm việc, sử dụng AI giỏi lên, hiệu quả cao lên. “Về phía bệnh nhân sẽ được chăm sóc tốt lên, thêm nhiều bệnh được chữa và thêm nhiều người được chăm sóc”, GS Dũng chia sẻ.
TS Trần Ðặng Minh Trí, đồng sáng lập Công ty Harrison-AI tại Úc chia sẻ, với số lượng người bệnh khổng lồ, mỗi bệnh viện ở nước ta tạo ra hàng ngàn điểm dữ liệu như hình ảnh chụp X-Ray, MRI, CT, các xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin bệnh lý. Ðây là “mỏ vàng” để phát triển công nghệ AI chẩn đoán bệnh trong tương lai.