Không đoàn kết là thời cơ cho Trung Quốc hành động

Không đoàn kết là thời cơ cho Trung Quốc hành động
'Ông Biển Đông' Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ) chia sẻ: Không tạo được sức mạnh đoàn kết thì rất nguy hiểm và đó là thời cơ cho Trung Quốc hành động.

Không đoàn kết là thời cơ cho Trung Quốc hành động

> Trung Quốc với chiến lược 'đại hải phòng' trên Biển Đông

Ông Trần Công Trục

Ông Trần Công Trục.

Nhìn lại một năm liên tục nóng với các diễn biến trên biển, với lịch trả lời phỏng vấn dày đặc, với cuốn sách “Dấu ấn VN trên Biển Đông” được xuất bản, “ông Biển Đông” Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ) chia sẻ nhiều tâm huyết về “nghề”, về “nghiệp”…

Các vấn đề biển Đông “nóng” suốt 2 năm qua, trong khi ông là một chuyên gia, một địa chỉ mà báo giới tìm đến mỗi lần có những động thái, diễn biến mới trên biển. Xuất hiện với mật độ khá lớn như vậy, có khi nào ông thấy "mệt"?

Tất nhiên với tuổi 70, đã nghỉ công tác quản lý 10 năm nay rồi mà vẫn tiếp tục nghiên cứu để có nội dung thông tin đáp ứng được đòi hỏi của dư luận cũng như các phóng viên có hiểu biết rất sâu rộng không hề dễ. Nếu chỉ nói dăm ba câu về lập trường tôi không muốn. Tôi quan niệm nói phải có nội dung, phải đi sâu những lĩnh vực mà mình có tri thức, có kinh nghiệm, có thực tế vì đòi hỏi của dư luận là phải có những phân tích khoa học, khách quan. Việc đó đòi hỏi sự nghiên cứu, đầu tư tâm trí, sức lực.

Vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh thổ dường như ám ảnh ông nhiều, đã về hưu nhiều năm nay, ông vẫn không thoát được “nghiệp”?

(Cười)… Vì tôi gắn bó với công việc này gần 40 năm rồi, bắt đầu nghiên cứu từ những năm 1970, 1976 thì chính thức “vào biên chế” của Ban Biên giới Chính phủ, đến 2004 mới nghỉ hưu, từ cương vị một chuyên viên lên làm lãnh đạo Ban trong nhiều năm. Tôi có quá trình nghiên cứu khá dài, rồi đi thực tế cũng không ít. Tôi đã đi tất cả các đảo ven biển của tổ quốc, ra đảo bắc Trường Sa. Chỉ Hoàng Sa đến nay vẫn chưa đi được vì quần đảo này đã bị Trung Quốc chiếm mất rồi.

Đã đến nhiều đến các vùng hải đảo, biên giới như, thực tế cuộc sống ở những nơi địa đầu, sóng gió, kỷ niệm nào, địa danh nào để lại dấu ấn không thể phai với ông?

Tôi ấn tượng, xúc động nhất với sự hi sinh gian khổ, sự chịu đựng của những người lính, người dân khu vực biên giới, hải đảo. Những thiếu thốn, vất vả ở đây không chỉ về mặt vật chất mà cả mặt tinh thần. Vậy nên phải làm sao để người lính cầm súng, chịu đựng gian khổ để bảo vệ đất đai hiểu rõ ràng vùng đó thuộc chủ quyền của đất nước ra sao.

Tôi đã thực sự cảm nhận được niềm xúc động chưa bao giờ có trong đời khi bước chân lên đỉnh núi, sờ được vào cột mốc biên giới. Rồi có những chuyến đi biển, tôi phải bơi ra tận những ngách đá hẻo lánh, nguy hiểm nhất. Tôi còn nhớ lần đầu ra Trường Sa năm 1990, trong đoàn có cả Phó Thủ tướng Trần Đức Lương và Thứ trưởng thường trực Tài chính Nguyễn Sinh Hùng thời đó. Đến giờ tôi vẫn lưu tấm ảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quần soọc áo cộc đứng ở mũi tàu.

Ở góc độ bên ngoài, có cảm giác lĩnh vực nghiên cứu của ông khá khô khan. Là người trong cuộc, ông thấy công việc này thế nào?

Chỉ khô khan khi anh chỉ ngồi trong bàn làm việc, làm theo những nguyên tắc, tư duy một cách chủ quan mà không muốn tìm hiểu để đưa ra quan điểm có tính khoa học. Nhưng thực chất công việc, muốn làm sâu sắc phải nghiên cứu rất đa dạng, phải lăn lộn ở những khu vực khó khăn, phải hiểu được cảnh đi bộ hàng ngày trời chỉ với cơm nắm giắt lưng, ba tong, lên đường như một người lính đi Trường Sơn hay phải ra sóng gió, đi biển, lênh đênh trên tàu nhiều ngày thậm chí hàng tháng trời mới hiểu rõ sự gian khổ của người dân đi biển, người đi bảo vệ biển, người cầm súng trên đảo… Từ đó mới thấy yêu nghề thế nào, yêu đất nước ra sao.

Có tờ báo đã từng đặt cho ông một cái tên mới - “ông Biển Đông”. Ông nghĩ gì về tên gọi này?

Đó là vì các bạn thấy tôi nói nhiều về Biển Đông, trả lời nhiều về Biển Đông, dành nhiều quan tâm nghiên cứu về Biển Đông nên nói thế thôi chứ thực tế làm gì có ông nào như vậy. Tuy nhiên, việc các nhà báo gọi vậy tôi cũng thấy có điểm phản ánh được tư tưởng, nguyện vọng của tôi, những mong muốn và sự nghiệp của tôi qua cái tên này. (Cười).

2012 tiếp tục là một năm Biển Đông không lặng sóng với những tranh luận, những vấn đề nảy sinh giữa Việt Nam – Trung Quốc, Philippine – Trung Quốc. Khái quát tình hình, ông đánh giá thế nào về độ “nóng” của vấn đề trong năm vừa qua?

Rõ ràng câu chuyện Biển Đông năm 2012 không hề giảm bớt sự căng thẳng mà còn tích tụ nhiều hơn, mạnh hơn ở vấn đề hiệu ứng tranh chấp. Nói chung, về chiến lược và các bước đi của Trung Quốc không thay đổi, họ vẫn từng bước muốn khống chế tình hình để đi theo hướng đòi hỏi yêu sách của mình.

Về cách đi, họ dùng nhiều phương thức có tính chất dân sự, hành chính như dùng tàu hải giám, tàu tuẫn tiễu, các lực lượng chấp chính trên biển; dùng nhiều thủ thuật trong cuộc đấu tranh để giành sự công nhận mặc nhiên của các bên có liên quan về tranh chấp và công khai hóa yêu sách đường lưỡi bò trên cơ sở đó tiếp tục các hoạt động trong thực tế.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á lại có một số biểu hiện chưa thống nhất. Hội nghị Phnompenh không ra được tuyên bố chung, không đưa vấn đề Biển Đông vào dù ai cũng thấy đó là nội dung cần quan tâm xử lý. Sau đó, nội dung đàm phán với Trung Quốc cũng dừng chân tại chỗ trong khi trên thực tế, nhiều hoạt động của nước này không hề dừng lại. Tàu hải giám vẫn tiếp tục đầu tư mạnh hơn, tàu tuần hải cũng thế, hoạt động vận chuyển, đánh cá, khai thác du lịch… cũng rầm rộ.

Trên biển Hoa Đông, Nhật và Trung Quốc cũng căng thẳng không kém.

Điều đó thể hiện rõ chiến lược của Trung Quốc là muốn trở thành một siêu cường kinh tế, với việc trước hết là trở thành một cường quốc biển. Và con đường ra đại dương thông qua Biển Đông là điều rất hiện hữu, là hướng chính cho họ ra biển.

Tất cả những điều đó thể hiện, năm 2012 tình hình không giảm phức tạp, thậm chí nhiều học giả còn nhận định biển Đông thành tâm điểm đang đứng bên miệng hố chiến tranh. Có thể nhận định chưa chuẩn xác lắm nhưng nó chứng tỏ mức độ phức tạp của tình hình.

Nhìn sang 2013, ông đánh giá thế nào về khả năng diễn biến của câu chuyện trên Biển Đông? Tình hình chung liệu có thể hạ nhiệt hay còn nóng hơn?

Khó có thể đoán trước điều gì. Chỉ có thể nói chủ trương, sách lược, yêu sách của Trung Quốc rất rõ và chắc chắn họ sẽ cố thực hiện.

Họ có thể đạt được mục đích hay không sẽ phụ thuộc lớn vào sự đoàn kết, sức mạnh trong việc tập hợp tiếng nói chung trên các mặt trận đấu tranh hay chia rẽ của đối phương. Không tạo được sức mạnh đoàn kết thì rất nguy hiểm và đó là thời cơ cho Trung Quốc hành động.

Qua năm 2012 có thể thấy các bên cùng với tranh chấp đều đã tăng cường tiềm lực, gia tăng sức mạnh quân sự. Và thực tế có những lo ngại, thời gian tới, mức độ tranh chấp có khả năng dẫn đến những đụng độ ở phạm vi nào đó?

Các quốc gia trong khu vực, các nước lớn trên trường quốc tế đều đang rất quan tâm đến câu chuyện trên biển, không chỉ trên phương diện chính trị ngoại giao mà còn bằng cả sức mạnh với việc tăng cường ngân sách quốc phòng, mua thêm trang bị vũ khí. Điều đó khiến người ta lo là nếu không có giải pháp thích hợp làm giảm căng thẳng thì những đụng độ có thể có. Đương nhiên là việc để xảy ra đụng độ chiến tranh, nổ súng không phải dễ, không hẳn thời gian ngắn trước mắt có thể có, đặc biệt khi vấn đề đến giờ không chỉ dừng ở câu chuyện của các nước trong khu vực nữa.

Việt Nam dĩ nhiên cũng không hề muốn gây ra đụng độ. Các nước Châu Á khác cũng vậy. Vấn đề phụ thuộc vào xử sự của các nước lớn. Về phía Trung Quốc, ta vẫn hi vọng vào tuyên bố muốn đàm phán hòa bình, giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hòa bình của họ. Tuy nhiên, thực sự, họ có làm theo lời phát biểu không thì rõ ràng, thực tế vừa qua, họ đã không làm thế.

Xin cảm ơn ông!

Theo Cấn Cường – Phương Thảo
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG