Nhiều đại biểu nhận xét nhiệm kỳ QH khóa XII được đánh giá là đã thể hiện khá đậm nét dấu ấn dân chủ. Theo ông, những yếu tố nào đã tạo nên dấu ấn như vậy?
Đó là do hoạt động của QH ngày càng có chất lượng, tạo được dấu ấn và niềm tin trong lòng cử tri. Điều này cũng thể hiện xu hướng xã hội chúng ta. Đại hội Đảng XI vừa qua đã đề ra một mục tiêu là phải tăng cường dân chủ cho nên đã đưa cụm từ “dân chủ” lên trên cụm từ “công bằng”. Bởi vì dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển xã hội.
Làm đại biểu QH, tôi chỉ mong QH họp để phản ánh ý nguyện của dân, không phải xuân thu nhị kỳ ra đó nếu thấy thuận lợi thì mới phát biểu. Khi phát biểu tôi không nhìn nét mặt lãnh đạo để “gió chiều nào che chiều ấy” mà tôi thường nhìn lên trần nhà. Lúc đó, hình ảnh cử tri trong buổi tiếp xúc hiện lên đã giúp tôi thẳng thắn, tự nhiên phản ánh lại ý kiến của họ trung thực, đầy đủ nhất. Đấy là kinh nghiệm trên nghị trường. |
Dân chủ giúp ĐBQH phát huy được vai trò trách nhiệm của mình với nhân dân. Nhờ tranh luận sôi nổi, nhiều ĐB có điều kiện thể hiện chính kiến khi biểu quyết. Nhờ đổi mới như vậy, QH khóa XII đã không vội vã thông qua Dự án Đường sắt cao tốc, Luật Thủ đô.
Các phiên chất vấn tại QH ngày càng được nhiều cử tri quan tâm theo dõi. Điều đó nói lên những gì, thưa ông?
Cử tri đón chờ phiên chất vấn với mong muốn những tồn tại, yếu kém, tiêu cực trong xã hội được làm rõ hơn và được giải quyết. Nội dung chất vấn cũng ngày càng sát với cuộc sống của dân, thể hiện ý nguyện của đông đảo cử tri.
Xã hội ta đang phát triển, chính sách pháp luật thiếu đồng bộ, điều hành quản lý vĩ mô có thiếu sót, khuyết điểm, chính quyền nhiều nơi để xảy ra sự việc gây bức xúc cho dân. Chính những vấn đề đó làm cho nghị trường nóng hơn.
Vì thế yêu cầu ĐB sát dân để lắng nghe, đề đạt được đúng ý nguyện của dân. Phải đeo bám đến cùng sự việc cử tri và nhân dân phản ánh, chứ không phải nêu ra ở Quốc hội rồi bỏ lửng. Tôi hy vọng với kinh nghiệm và thành công của QH khóa XII, hoạt động chất vấn tại QH khóa tới sẽ sôi nổi, tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với cử tri.
Lê Văn Cuông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thanh Hóa . |
Thưa ông, dấu ấn của mỗi ĐBQH đóng vai trò như thế nào trong chất lượng hoạt động của Quốc hội?
Dấu ấn mỗi người không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào cả lợi ích cá nhân, lợi ích của một nhóm ĐB, bản lĩnh, môi trường công tác của ĐB. Có ĐB luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với cử tri, nhưng cũng có ĐB thờ ơ, không phát biểu gì. Có ĐB rất tự trọng vì biết rằng mình vào QH không phải vì bị bắt buộc mà là tự nguyện. Họ xác định vào QH không phải để đánh bóng tên tuổi, lợi dụng danh tiếng ĐB làm việc này việc khác. Bởi như thế sẽ tự làm hoen ố vai trò của ĐBQH. Không thể để mình mang tiếng là một ĐBQH mờ nhạt.
Cho nên, ĐB trước hết phải là người có lòng tự trọng, có bản lĩnh, dám nói trung thực ý kiến của mình và cử tri. Tuy nhiên, bản lĩnh đó đòi hỏi phải mang tính xây dựng và có trí tuệ để hiểu và nắm rõ vấn đề nêu ra.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã có được nhiều gương mặt ĐB như vậy chưa, và ông kỳ vọng gì vào QH khóa tới?
Mỗi giai đoạn lịch sử bao giờ cũng có những nhân tố mới, gương mặt mới. Tôi kỳ vọng QH khóa XIII sẽ có nhiều gương mặt như vậy xuất hiện, những gương mặt cũ sẽ tiếp tục phát huy. Có như vậy mới thể hiện đúng quy luật phát triển của xã hội và dân trí ngày càng cao.
QH khóa XI có nhiều ĐB có tiếng nói thẳng thắn và QH khóa XII đã phát huy được truyền thống đó. Nếu chúng ta có nhiều ĐB như vậy sẽ tiếp tục tạo ra dấu ấn tích cực cho QH khóa mới.
Cảm ơn ông.