Ông Hồng cho biết: Bộ đã mời khoảng trên 1.000 giáo viên từ phổ thông đến giảng viên các trường ĐH sư phạm để soạn câu hỏi thô. Đây là những giáo viên, giảng viên giỏi nhất của các tỉnh và các trường sư phạm.
Nhưng nếu mỗi môn có 24 mã đề thì chỉ cần khoảng 1.500 câu hỏi, vậy tại sao không công bố?
Chỉ có 1.500 câu, nhưng với quy trình vừa rồi thì phải làm gấp 4 lần, tức 7.000 câu để có được 1.500 câu tốt. Thực hiện theo quy trình 8 bước thì thực sự quá vất vả và tốn kém.
Tốn kém nhưng xã hội giám sát được và cần minh bạch?
Minh bạch và giám sát được là Bộ đã công bố đề minh họa, đề thử nghiệm, gần tương đương đề chính thức. Quy trình thực hiện đề chính thức qua bằng kia bước, có sự tham gia của rất nhiều người. Đầu tiên là để tiết kiệm nguồn lực.
Thứ hai, các bài thi của thế giới chuẩn hóa như SAT, ACT của Mỹ không công bố đề thi và đáp án vì họ sử dụng lại rất nhiều lần. Họ chỉ đưa ra đề thi minh họa, các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng thế.
Mục đích xây dựng ngân hàng câu hỏi của năm 2017 cũng khác những năm trước đây. Những năm trước thi trắc nghiệm chỉ một đề thi, sau đó công bố toàn bộ và chỉ làm bằng phương pháp chuyên gia, tập hợp thầy cô trong một giai đoạn nhất định, còn năm nay, hơn 1.000 giáo viên đã được huy động để viết câu hỏi thô, chưa kể các quy trình khác. Vì vậy, không công bố là để tiết kiệm nguồn nhân lực, chứ không phải sợ minh bạch hay không minh bạch, sai hay không sai. Vì khi đã làm đúng quy trình thì không có chuyện sai.
Nguyên nhân nữa là phải giữ các câu hỏi. Vì nếu đưa ra toàn bộ câu hỏi thì cộng đồng có thể đoán được độ bao phủ của đề thi tiếp theo. Dẫn đến tình trạng học tủ, học lệch.
Nhưng mục đích kỳ thi của chúng ta khác với kỳ thi của SAT hay ACT, thưa ông?
Dư luận băn khoăn không công bố đề thi là liệu đề có sai hay không? Đề chưa chuẩn hóa thì sự lo lắng này có cơ sở. Còn đề thi đã được chuẩn hóa thì đã cho học sinh làm thử để học sinh biết đúng hay sai. Khác biệt là thí sinh được làm thử hai lần để tính thông số.
Chúng ta cũng có thể tiết kiệm bằng cách giảm mức độ khác nhau trong đề thi để giảm số câu hỏi?
Vừa qua, chúng ta đã làm thế, một đề trộn thành 6 mã đề. Nhưng vẫn có tiêu cực. Từ một câu hỏi, ta chỉ hoán đổi vị trí và khác phương án trả lời. Số liệu giữ nguyên nên vẫn có thể có gian lận. Ví dụ trong môn Toán, cứ câu hỏi tính nghiệm của hàm số sau và đáp án bằng 1 thì có đảo đi đâu thì cũng chỉ có đáp án bằng 1 nên dễ gian lận. Hơn nữa, năm tới giao cho các sở làm, giải pháp kỹ thuật là mỗi thí sinh một đề thi là an toàn nhất. Thực ra nếu áp lực thi cử của chúng ta thấp thì không cần phải nhiều mã đề nhưng vấn đề là áp lực thi cử của chúng ta vẫn còn cao.
Xin cảm ơn ông!