Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc làm ngân hàng đề cho năm nay có nhiều thay đổi, trong đó những năm trước chỉ cần huy động giáo viên làm đề một đợt (khoảng 3 tuần) thì nay đã huy động nhiều đợt đội ngũ làm đề.
Các câu hỏi thô cũng phải trải qua rất nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm mới có thể đem vào ngân hàng đề để sử dụng. Do đó, việc không công bố đề thi các môn trắc nghiệm năm nay là nhằm giữ bí mật các câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo.
Thiếu minh bạch, khách quan
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 tới, nếu Bộ GD&ĐT không công bố đề thi, đáp án các môn thi sẽ phạm vào tính thiếu minh bạch, khách quan.
Trong khi một kỳ thi bất kỳ nào đều phải đảm bảo yếu tố minh bạch đầu tiên huống gì kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn có lượng thí sinh khoảng 1 triệu em. Nhưng nếu công bố đề thi, đáp án thi thì coi như năm sau lại phải làm mới ngân hàng đề thi. Việc này rất tốn kém về thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
‘‘Ngay cả việc làm bài kiểm tra 45 phút trên lớp, sau khi chấm điểm, giáo viên còn phải chữa bài để học sinh hiểu mình đã làm sai chỗ nào, có hài lòng với điểm giáo viên chấm hay không huống gì một kỳ thi lớn các em lại không được xem đáp án đề thi. Làm như vậy, sẽ khiến học sinh hoang mang, lo lắng’’.
Thầy Trần Văn Giang, giáo viên dạy Toán một trường THPT ở Hà Nội
Cũng theo ông Nhĩ, việc ra nhiều câu hỏi khác nhau trong nhiều mã đề khác nhau chưa chắc đã đảm bảo được sự minh bạch, khách quan. Bởi, việc tìm được câu hỏi có độ khó tương đồng để trộn lẫn vào các đề không phải là việc dễ. Ngoài ra, việc không công bố đáp án và đề thi nữa sẽ rất khó để học sinh xác định được kết quả thi của mình.
Thầy Trần Văn Giang, giáo viên dạy Toán một trường THPT ở Hà Nội nói: ‘‘Với cách làm như năm nay, mỗi thí sinh một đề, lại không có đáp án, các em sẽ rơi vào trạng thái tù mù. Chưa kể, với cách thi trắc nghiệm, sẽ có nhiều câu đáp án có thông tin tương đương nhau, học sinh làm đúng, sai thế nào cũng không có căn cứ để so sánh nên sẽ không tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng’’.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc không công bố đề thi chỉ vì để đảm bảo bí mật ngân hàng đề để sử dụng cho năm sau là chưa thuyết phục. Để thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT phải có phương án đảm bảo được một ngân hàng câu hỏi đủ lớn để năm sau và các năm sau nữa xáo trộn lẫn nhau.
Xã hội không có thông tin để giám sát
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cũng cho rằng, không công bố đề, đáp án các môn thi là một quy định hết sức vô lý.
Theo ông Cương, năm nay thí sinh đã chịu nhiều thiệt thòi vì một kỳ thi cận kề nhưng vẫn đổi mới rất nhiều nội dung, trong đó chuyển sang thi hầu hết các môn trắc nghiệm khiến giáo viên, học sinh quay như chong chóng cả cách dạy lẫn cách học.
Nay có thêm quy định này, sau khi thi xong, thí sinh không có một căn cứ nào để biết mình đã làm đúng hay sai. Nếu sai thì sai ở chỗ nào để rút kinh nghiệm. Chưa kể, học sinh yếu kém cũng sẽ chẳng tiến bộ được hơn khi mà làm bài xong bị rơi vào trạng thái tù mù, không biết đâu là đúng, đâu là sai.
Ông Cương cho rằng, trước đây, bộ GD&ĐT tự tin khẳng định sẽ có ngân hàng đề đủ lớn để thi trắc nghiệm. Nếu năm nay công bố đề, phải hủy lượng đề đó, năm sau lại ra bổ sung, đâu phải là vấn đề khó khăn để phải ra quy định này.
Hơn nữa, theo ông Cương, kết quả một kỳ thi lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của học sinh vì thế ngoài chính các em cần có thông tin để xã hội giám sát. Không công bố đáp án, nếu lập trình cho máy đáp án nào đó sai thì đương nhiên máy cũng sẽ chấm sai. Trong khi, không có ai kiểm nghiệm, đánh giá đề thi, đáp án, kết quả thi thì học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi.
Trưởng phòng Khảo thí một địa phương bày tỏ sự bất ngờ khi năm nay bộ không công bố đáp án. Theo ông này, mọi quy định đều phải dựa trên nguyên tắc có lợi trước cho thí sinh. ‘‘Với quy định này, bộ sẽ đỡ thời gian, tiền bạc cho việc bổ sung ngân hàng đề trong các năm tới nhưng học sinh cũng như các trường THPT không yên tâm trong kỳ thi năm nay’’, ông nói.
Không đáp án, lượng bài phúc khảo sẽ tăng
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, trên thế giới, nhiều nước thi trắc nghiệm cũng không công bố đề thi, đáp án. Việc công bố đề thi trắc nghiệm, bắt buộc phải hủy toàn bộ câu hỏi đã sử dụng nên Bộ GD&ĐT cũng có cái khó. ‘‘Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia có lượng thí sinh lớn, nếu không có đáp án thi, lượng bài phúc khảo năm nay có thể tăng cao bởi học sinh không có gì đối chiếu, em làm sai vẫn cứ nghĩ là mình đúng nên phúc khảo cho chắc ăn’’, ông Trung nói.