Đó là phân tích của luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi nói về vụ tử tù Nguyễn Thị Huệ thoát án tử nhờ tinh trùng của một bạn tù, báo Tiền Phong đã phản ánh.
Theo phân tích của luật sư Hằng Nga, câu chuyện mượn cớ sinh con để thoát án tử không là vấn đề mới mẻ trong ngành tố tụng Việt Nam. Thực tiễn đã có một vài trường hợp thoát án tử một cách ngoạn mục nhờ việc thương thảo mua bán tinh trùng của phạm nhân diện tự giác, sau đó mang thai. Đơn cử như trường hợp bị án Nguyễn Thị Oanh (SN 1967, ở TP Thái Nguyên).
Trong lần mua bán hàng chục bánh heroin ở tỉnh Hòa Bình, Oanh đã bị kết án tử hình. Tuy vậy, do am hiểu pháp luật, Oanh đã thoát án tử một cách ngoạn mục sau khi vài lần “làm chuyện người lớn”rồi có thai với một phạm nhân ở diện tự giác (được đi lại khá thoải mái trong trại giam – PV).
Quay lại câu chuyện nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, ở tỉnh Lạng Sơn) vừa mang thai trong trại tạm giam ở tỉnh Quảng Ninh, luật sư Hằng Nga phân tích, việc này chắc chắn phải có sự câu kết chặt chẽ giữa trong và ngoài khu tạm giữ. “Người đang ở tù làm sao có thể cầm trong tay 50 triệu để thương lượng chuyện mua bán tinh trùng. Chắc chắn đã có sự hỗ trợ mật thiết giữa bên trong và ngoài. Do vậy, cần làm rõ đường dây này, qua đó mới có thể tránh được tình huống bỏ lọt tội phạm” – bà Nga phân tích.
Liên quan đến mức độ lỗi của các cán bộ quản giáo, cũng theo nữ luật sư Nga, có thể xem xét ở 2 tình huống. Trước hết, ở mức độ vô ý, các cán bộ này đã không biết “thượng vụ” mua bán trên, cơ quan chức năng có thể xem xét đến tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn khi chứng minh có chuyện vì vụ lợi, cố ý “làm ngơ” cho phạm nhân thực hiện thương vụ, các cán bộ quản giáo liên quan có thể bị xem xét ở hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về hành vi mua bán tinh trùng, luật sư Nguyễn Tiến Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, chỉ có thể xử lý hành chính đối với cả người mua và người bán. Luật sư Trung lập luận, có thể áp dụng các quy định trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cùng Nghị định 176/2013 của Chính phủ quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực y tế để áp dụng. Theo đó, việc cho – nhận tinh trùng liên quan đến mục đích thương mại được xác định là vi phạm pháp luật, bởi luật pháp nghiêm cấm hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể trái quy định.