Không có mạng, thiếu điện thoại: Tây Nguyên dạy học trực tuyến thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều ngôi trường nằm cheo leo trên đỉnh đồi, vùng sâu không có mạng Internet, 100% học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình không có ti vi, máy tính, điện thoại thông minh…

Mấy ngày nay, chị H’Lin Byă (trú xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tìm mua máy tính cũ cho con vừa lên lớp 6 nhưng chưa tìm được cái nào vì giá cả cao, vượt quá khả năng gia đình. Theo khảo sát của chị H’Lin, một chiếc máy tính cũ dùng tạm được đã có giá 5-6 triệu đồng, chưa kể thêm khoản tiền nối mạng Internet. Số tiền vài triệu đồng là khoản tiền lớn bởi trước đó, chị đã sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho 2 con.

Tại Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk), việc dạy học trực tuyến hầu như không khả thi khi toàn trường trên 1.000 học sinh nhưng chỉ 56 em có thể mượn điện thoại thông minh của gia đình. Chưa kể, điểm trường Ea Rớt – một trong những điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Cư Pui 2, nằm biệt lập với bên ngoài. Nơi đây không có điện thoại thông minh, mạng Internet, nhà cửa thưa thớt, cách nhau cả quả đồi.

“Chúng tôi đang bàn, kiến nghị cấp trên cho áp dụng phương án dạy học giãn cách tại điểm trường Ea Rớt. Bởi đây là vùng đặc thù, 100% học sinh dân tộc thiểu số, việc vận động trẻ đến trường rất khó khăn, nếu không linh hoạt chọn phương án dạy học phù hợp, các em sẽ không đi học”, ông Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 thông tin.

Không có mạng, thiếu điện thoại: Tây Nguyên dạy học trực tuyến thế nào? ảnh 1

Việc triển khai dạy học trực tuyến ở Tây Nguyên đang gặp khó khăn

Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lắk cho biết, toàn huyện có trên 15.000 học sinh thuộc 3 cấp; trong đó, học sinh lớp 1 khoảng 1.700 em. Do đặc thù Lắk là huyện vùng sâu, nhiều dân tộc thiểu số nên 70% học sinh không thể học trực tuyến. Không riêng học sinh vùng sâu, ngay cả thị trấn Liên Sơn, khối THCS cũng có tới 50-60% trường không thể triển khai do học sinh thiếu thiết bị để học (điện thoại thông minh kết nối Internet).

Tại Đắk Nông, ông Trần Sĩ Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này thừa nhận, điều kiện của tỉnh rất khó triển khai hình thức học trực tuyến, nếu có chỉ áp dụng từ cấp THCS và THPT.

Linh hoạt thích ứng

Theo ông Thành, hiện Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã cho tạm dừng việc dạy học trực tiếp trên toàn tỉnh ngay khi địa phương ghi nhận ổ dịch trong cộng đồng phức tạp. Thời gian dạy học trở lại đang phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Sở GD&ĐT cho triển khai dạy học trực tuyến với những trường đủ điều kiện, áp dụng cho cấp THCS và THPT.

Không có mạng, thiếu điện thoại: Tây Nguyên dạy học trực tuyến thế nào? ảnh 2

Giáo viên từng đến nhà giao bài tập cho học sinh

Ông Thành nói thêm, địa phương ưu tiên chống dịch COVID-19 lên hàng đầu. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành giáo dục sẽ tận dụng “thời gian vàng”, học cả thứ Bảy, Chủ nhật, không nên nóng vội.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lắk, cho biết UBND huyện quyết định hình thức giao bài cho học sinh. Đầu tuần, giáo viên sẽ phối hợp các đoàn thể địa phương (chủ công là đoàn thanh niên các thôn, buôn) đến tận nhà giao bài và hướng dẫn học sinh làm bài tập, cuối tuần đến thu bài cũ, phát bài mới. Mỗi gia đình là một trường học; ông bà, cha, mẹ, anh chị là thầy, cô giáo. Phương án này chủ yếu củng cố kiến thức, giúp học sinh có thói quen học tập.

Còn ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã giao nhà trường căn cứ vào tình hình, điều kiện của từng địa phương để chọn hình thức học phù hợp như trực tuyến hoặc giao bài cho học sinh. Dù hình thức nào, giáo viên phải tập trung, bám sát tình hình học tập của học sinh mới thành công.

Không có mạng, thiếu điện thoại: Tây Nguyên dạy học trực tuyến thế nào? ảnh 3

Phụ huynh chủ động giúp trẻ học bài tại nhà

Ông Khoa đề nghị nhà trường cần lập các tổ hỗ trợ dạy học trực tuyến, phía Sở sẽ phối hợp các bên liên quan tổ chức dạy học trên truyền hình, hoặc tiếp sóng các chương trình dạy học trên truyền hình. Toàn tỉnh có khoảng 450.000 học sinh (từ cấp mầm non đến THPT). Giáo viên nên tập trung dạy kiến thức cơ bản. Với những học sinh đang F0, F1, nhà trường sẽ có kế hoạch riêng bổ sung kiến thức khi các em khỏi bệnh.

Mang cặp mới đi…cách ly

Những ngày qua, hình ảnh hai đứa trẻ chừng 10 tuổi mặc đồ bảo hộ kín mít, vai mang chiếc cặp mới chưa kịp xé nhãn, lặng lẽ rời nhà lên xe chuyên dụng đi cách ly tập trung được chia sẻ lên mạng xã hội những ngày qua khiến nhiều người xót xa.

Ông Phạm Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk cho biết, hai đứa trẻ trên ở buôn Pu Huê vừa đưa đi cách ly tập trung tại huyện Cư Kuin vào ngày 28/8, sau khi người thân các em được xác định mắc COVID-19. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận trên vài bệnh nhân mắc COVID-19 là trẻ nhỏ, đang ở độ tuổi đến trường; chưa kể rất nhiều trường hợp F1 nhí phải đi cách ly tập trung.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.