Không chủ quan, lơ là khi sinh viên trở lại trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ đầu tuần, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước bắt đầu lộ trình mở cửa đón sinh viên học trực tiếp. Trong bối cảnh hiện nay, các trường đều rất thận trọng và chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống dịch bệnh.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục thành viên của Đại học (ĐH) Thái Nguyên đã chính thức đón sinh viên quay trở lại học tập. Tại trường ĐH Y - Dược, số lượng sinh viên trở lại trường là 6.297 sinh viên, trong số đó 45 sinh viên chuẩn bị đi thực tập cộng đồng.

Không chủ quan, lơ là khi sinh viên trở lại trường ảnh 1

Sinh viên lấy mẫu xét nghiệm khi trở lại học trực tiếp tại trường ĐH. Ảnh TNU

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp cũng tiếp nhận sinh viên các khóa 54, 55 và 56 ngành Công nghệ, sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 quay trở về trường. Đồng thời, yêu cầu toàn thể sinh viên phải hoàn thiện việc cập nhật thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại website của nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Duy Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết đã có khoảng 2.500 sinh viên năm thứ 3, 4 trở lại trường học tập trung. Trước mắt, nhà trường tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu và bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14/2. Riêng 3.500 sinh viên năm thứ 1, 2 tạm thời học trực tuyến.

PGS.TS Nguyễn Duy Cương cho hay tất cả sinh viên trở lại trường phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ; tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 (những trường hợp chưa tiêm đủ số mũi, Nhà trường sẽ hỗ trợ tiêm ngay khi sinh viên đủ điều kiện). Trước khi lên giảng đường (ngày 14/2), sinh viên sẽ test lại lần nữa. Ngoài ra, nhà trường có kế hoạch test định kỳ cho sinh viên và chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, sát khuẩn.

Hiện, nhà trường dành riêng một khu để cách ly F0 (nếu có). Với những trường hợp đặc biệt, đội ngũ y tế sẽ chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để ứng phó kịp thời.

Tại trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, công tác chuẩn bị đón sinh viên trở lại học trực tiếp đã được chuẩn bị chu đáo. TS Đỗ Đình Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay từ ngày 7-13/2, sinh viên được triệu tập trở lại trường. Từ ngày 14/2, tổ chức đào tạo tập trung cho khoảng 5.000 sinh viên, với 185 học phần.

Những sinh viên ở vùng dịch chưa thể học tập trung, ĐH Thái Nguyên chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch học tập phù hợp, tăng cường trao đổi, hướng dẫn sinh viên tự học, đồng thời duy trì hình thức học trực tuyến.

Trong khi đó, trao đổi về một số khó khăn mà ĐH Thái Nguyên đang gặp phải, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH cho hay, một số kí túc xá được trưng dụng làm khu cách ly của tỉnh đã xuống cấp. Công tác cập nhật thông tin giữa các đơn vị đào tạo và địa phương về tình hình tiêm vắc xin cho người học còn gặp khó khăn.

Mở cửa từng bước an toàn

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ trở lại trường học trực tiếp từ sau ngày 28/2. ĐH này khuyến nghị sinh viên tiêm tối thiểu 2 mũi vắc xin phòng ngừa COVID-19; đối với những sinh viên chưa tiêm đủ, đơn vị liên hệ y tế địa phương để hỗ trợ sinh viên được tiêm ngay trong tuần đầu trở lại trường học; xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với thực tế và phương án chăm lo hỗ trợ sinh viên thuộc diện F0 sống xa gia đình, ở trọ bên ngoài cũng như trong ký túc xá; có phòng cách ly riêng ở khu giảng đường khi phát hiện sinh viên nghi F0 và thiết bị đo nhiệt độ, nước sát khuẩn, khẩu trang,.. .

Sau khi kiểm tra tại các trường ĐH về công tác chuẩn bị đón sinh viên học trực tiếp sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, tinh thần của sinh viên, cán bộ giảng viên đã sẵn sàng trở lại học dạy - học trực tiếp. Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận những đề xuất của các thầy cô giáo; trên cơ sở đó có chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và nhà trường.

Thứ trưởng đề nghị, các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các lớp học hiệu quả.

“Quyết tâm đưa sinh viên trở lại trường, nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Các trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để địa phương coi sinh viên như là cư dân của mình; từ đó cùng với nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên, nhất là xử lý một số tình huống lây nhiễm COVID-19 (nếu có)” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý các trường cần thực hiện tốt công tác truyền thông. Thứ trưởng cho rằng, thông qua việc này để cán bộ, giảng viên, sinh viên chủ động ứng phó trước các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Quan trọng là, dù bất cứ tình huống nào cũng có phương án chủ động, linh hoạt thích ứng; từ đó phụ huynh mới yên tâm khi con em họ trở lại trường học tập.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị, khi sinh viên trở lại học tập trung, các trường cần liên hệ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức tiêm mũi 2, 3 cho sinh viên, sớm đưa đời sống, học tập trở lại bình thường.

MỚI - NÓNG