Ông Yamashita Shinichiro - Ủy viên hội đồng về Di sản Văn hóa, Tổng Cục Văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Hoài Văn. |
Sau những ồn ào về diện mạo di tích Chùa cầu Hội An sau trùng tu, mới đây thành phố Hội An tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ Chùa Cầu.
Dự án hoàn thành sau 19 tháng triển khai, trễ hẹn 7 tháng so với dự kiến ban đầu.
Di tích Chùa Cầu Hội An trong ngày khánh thành. |
Tiền Phong có cuộc trao đổi nhanh với ông Yamashita Shinichiro - Ủy viên hội đồng về Di sản Văn hóa, Tổng Cục Văn hóa Nhật Bản - về kết quả dự án trùng tu Chùa Cầu Hội An.
Ông Yamashita Shinichiro cho rằng Chùa Cầu là một trong những di tích có giá trị đặc biệt quan trọng trong quần thể kiến trúc Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Công tác trùng tu tại đây diễn ra rất bài bản, khoa học và đạt được kết quả như mong muốn.
Di tích Chùa Cầu sau trùng tu. |
Nhật Bản đã cử chuyên gia trong lĩnh vực trùng tu di tích tại Nhật Bản qua làm việc với các chuyên gia của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện các bên đã có những thảo luận, tham vấn cặn kẽ để thực thi trùng tu di tích được tiến hành tốt nhất.
“Chúng tôi cảm thấy hài lòng khi có sự phối hợp chặt chẽ của chuyên gia trong và ngoài nước suốt quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu. Sau này có thể còn vấp phải những khó khăn gì thì chưa đánh giá hết được, tuy nhiên đến hiện tại có thể nói chúng tôi rất hài lòng với kết quả trùng tu lần này”, ông Yamashita Shinichiro đánh giá.
Bạn trẻ check-in bên di tích Chùa Cầu. |
Di tích Chùa Cầu là một trong những di tích quan trọng của Việt Nam được thế giới công nhận, ông mong rằng thông qua đợt trùng tu lần này di tích Chùa Cầu trường tồn với thời gian.
Về những ý kiến rằng di tích Chùa Cầu sau trùng tu “trông quá mới và hiện đại”, ông Yamashita Shinichiro cho rằng điều này không cần quá lo lắng. Ở Nhật Bản cũng có những công trình trùng tu tương tự, ví dụ như thành cổ Himeji. Thành cổ này được hoàn thiện với phần tường với chất liệu nước sơn màu trắng nên sau trùng tu cũng được khoác lên diện mạo rất mới.
“Ngay sau khi trùng tu thành cổ được sơn trắng cho nên người dân cũng nói rằng màu quá mới, lạ và họ không thoải mái lắm. Tuy nhiên sau một thời gian với ảnh hưởng của thời tiết, của gió, mưa thì màu sắc công trình trở nên trầm lắng, cổ kính dần và diện mạo bây giờ cũng đã quen thuộc đối với mọi người, màu cũng nhạt dần và trở nên cổ kính như xưa. Do đó di tích sau trùng tu có màu sắc mới thì điều này không cần quá lo lắng”, ông chia sẻ.