Bàn về Dự thảo Luật giá:
Không bình ổn tràn lan
> Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ thì dở, giữ thì không hay
Dự thảo Luật giá gồm 5 chương, 51 điều. Bên cạnh việc kế thừa những biện pháp bình ổn giá đã quy định trong Pháp lệnh giá, dự thảo Luật bổ sung nhiều biện pháp bình ổn giá thị trường.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Dự án Luật chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản; chưa làm rõ được bước tiến mới về chất thông qua việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật”. Nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào quan hệ cung – cầu. Trong khi đó, dự thảo luật lại chưa làm rõ những trường hợp cụ thể mà nhà nước cần thiết phải điều tiết, can thiệp vào giá thị trường; áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thực trạng giá hiện nay có cảm giác nhà nước can thiệp quá sâu, làm méo mó. “Nhà nước cần quản lý điều hành thế nào cho phù hợp bằng pháp luật, kiểm tra, giám sát và phải tôn trọng nguyên lý vận động giá thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp mạnh khi có biến động lớn, nhưng phải sử dụng biện pháp kinh tế can thiệp là chính”- bà Ngân nói.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng chung nhận định. Bà Mai nêu thực trạng, thuốc tân dược là mặt hàng thiết yếu nhưng trong 20 ngàn mặt hàng, chỉ quản lý được giá một vài loại thuốc. Đến nay, Bộ Y tế chưa trả lời và làm rõ vấn đề này. “Luật Dược có từ nhiều năm, nhưng giá thuốc không quản lý được. Gần đây, đề xuất tăng giá 350 loại dịch vụ y tế thì giá này quản lý thế nào, hay cuối cùng người dân phải chịu thiệt?”-Bà Mai nói.
Liên quan đến Điều 5 dự thảo luật qui định nhà nước bảo hộ và khuyến khích cạnh tranh về giá, Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng, nhà nước không trực tiếp bảo hộ các hoạt động cạnh tranh, và đề nghị bỏ qui định này. Cũng theo UB TC-NS, cần điều chỉnh qui định về nguyên tắc tôn trọng quyền định giá của DN, trên cơ sở qui định của pháp luật.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý, nhà nước phải chú ý đến quản lý giá xã hội, chứ không chỉ đối với giá một số mặt hàng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần xác định rõ những loại hàng hóa, dịch vụ nào phải định giá, ví như dịch vụ y tế, giáo dục, đất đai, xăng dầu, bởi đó là những thứ thiết yếu với đời sống. Cần đưa ra tiêu chí, thẩm quyền xây dựng danh mục hàng hóa mà Nhà nước định giá. “Vấn đề quan trọng nữa, là áp dụng bình ổn những mặt hàng nào, không thể cứ lấy ngân sách bù mãi. Bình ổn càng nhiều càng bóp méo thị trường. Bình ổn xăng dầu chỉ là quá độ. Nhưng phải có chính sách hỗ trợ hộ nghèo về xăng dầu, viện phí, học phí. Không bình ổn tràn lan, không phá vỡ nền kinh tế thị trường”- Chủ tịch QH nói.
Tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Dự thảo Luật sẽ tiếp tục chỉnh sửa, tuân thủ nguyên tắc quản lý giá là theo pháp luật và bình ổn giá bằng biện pháp kinh tế. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm mới xử lý bằng biện pháp hành chính”.
Đề nghị cấm cán bộ, công chức tham gia quảng cáo Cho ý kiến về dự án Luật Quảng cáo (sáng 26-9), Báo cáo thẩm tra sơ bộ của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh: Cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng quảng cáo, trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại. UB này đề nghị bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo. Cần liệt kê các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo và có chế tài xử lý. NT |