Từ ngày yêu nhau tôi vốn đã biết anh là người tiết kiệm, chi tiêu tằn tiện. Yêu nhau 3 năm nhưng tôi chỉ được anh tặng duy nhất một món quà đó là chiếc áo phông mà tôi nghe nói anh cùng bạn bè mua chung một lố khi công ty đi du lịch lên cửa khẩu. Đến những ngày lễ, trong khi bạn bè được người yêu dẫn đi ăn, và tặng quà thì anh lại lấy lí do bận việc hoặc tảng lờ như không có chuyện gì.
Những lần hẹn hò anh thường dẫn tôi ra công viên rồi mua ít bỏng ngô và chai nước khoáng, hai đứa ngồi chuyện trò. Nếu tôi kêu đói, anh chạy đi mua bánh mì hoặc hai cái bánh ngọt nói để tôi ăn tạm rồi về nhà ăn cơm cho chắc dạ.
Đôi ba lần, tôi gợi ý đi ăn thì hoặc anh dẫn đến quán cơm bình dân, hoặc là chọn nơi nào bán đồ cho sinh viên đề giá thật rẻ, treo biển giá mới vào. Nhưng khi tôi đề nghị được trả tiền thì anh nhất quyết không cho.
Rồi sau này, kể cả khi yêu nhau sâu đậm và tính tới chuyện hôn nhân nhưng anh chưa từng mua quà về ra mắt hay có bất cứ thứ gì tặng cho bố mẹ tôi. Thậm chí có lần vì xấu hổ với họ hàng, tôi lén mua ít hoa quả và bánh kẹo về nhà rồi nói quà anh gửi.
Lần sau khi anh đến chơi nhà, bố mẹ tôi cảm ơn, anh có vẻ bất ngờ rồi vui vẻ cười như việc mình đáng được hưởng. Bạn bè chơi thân nghe tôi tâm sự 10 đứa thì đến 11 đứa khuyên tôi nên chia tay. Đôi lúc nghĩ tủi thân nhưng tôi vốn là người không coi trọng vật chất nên chẳng suy nghĩ quá nhiều.
Hơn nữa, anh thường nói với tôi rằng, mình còn trẻ nên tiết kiệm cho tương lai. Quả thực, việc anh tiết kiệm cũng có lí do cả. Mới 30 anh đã mua được nhà chung cư ở trung tâm thành phố, có xe đẹp. Nhưng đi ra ngoài, tôi nghĩ mọi người đánh giá anh là dân lao động chân tay, bốc vác chứ không phải phó phòng một công ty liên doanh. Anh ăn mặc giản dị và nói không với hàng hiệu. Còn nhớ, có lần sinh nhật anh, tôi gom tiền cả tháng để mua tặng cái áo sơ mi mà anh nhất định bắt tôi đi đổi để lấy tiền về. Anh liên tục trách tôi lãng phí.
Rất nhiều lần khác, anh đều ngăn tôi mua sắm và thường xuyên nhắc nhở tôi bài học tiết kiệm. “Phải tiết kiệm em ạ, thì mới nhanh giàu được” hay “Em thử nghĩ xem giờ mua iPhone có phải quá xa xỉ không, cũng chỉ là phương tiện liên lạc thôi mà” rồi ti tỉ thứ khác nữa.
Đắn đo mãi tôi quyết định theo anh về chung một nhà bởi tôi nghĩ anh chi li, tính toán cũng vì tương lai của hai đứa và vì vợ con sau này. Nhưng chung sống với anh 10 năm tôi mới biết mình đã nhầm, quá nhầm.
Bạn bè nhìn vào, đứa nào cũng nói ghen tỵ với tôi: “Mày thì sướng như bà hoàng rồi, nhà đẹp, xe đẹp, chồng giỏi giang, tiền để đâu cho hết, muốn chi tiêu gì chẳng được”. Nghe thấy thế, tôi chỉ im lặng mà xót xa. Quả thật, chồng tôi giỏi kiếm tiền nhưng tiền đó là để cất vào két chứ tôi tuyệt nhiên không được đụng tới.
Hàng tháng, anh tính toán rất kĩ rồi đưa tiền sinh hoạt vừa đủ hoặc có thừa cũng không đáng là bao. Nếu nói, chồng không cho thì tự kiếm lấy mà tiêu cho thỏa thích. Nhưng khốn khổ, tiền tôi làm ra tôi cũng không dám tiêu. Bởi mua thứ gì về anh cũng ỉ ôi lãng phí rồi nói tôi “vung tay quá trán”.
Một lần, thấy người bạn quảng cáo bán tôm hùm cũng đúng vào dịp sinh nhật anh. Tôi cũng phân vân nhưng rồi quyết định "bạo chi" xem như một món quà để gây sự bất ngờ cho anh. Quả thật đây cũng là món mà gia đình tôi chưa từng được nếm. Nào ngờ, mới ngồi xuống bàn ăn anh đã nổi trận lôi đình. Dẫu có một số người họ hàng, bạn bè thân anh vẫn lớn tiếng chỉ trích tôi.
Sau lần ấy, anh có xin lỗi rồi tiếp tục rao giảng tôi phải sống tiết kiệm, phải giữ tiền để dành cho nay mai. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Thật sự, càng sống với anh tôi càng cảm thấy mình bức bối. Tiêu gì, mua gì cũng phải suy nghĩ đắn đo. Giờ tôi mới thấm thía câu nói mọi người vẫn hay rỉ tai nhau “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Nói muốn ly dị vì chồng keo kiệt thì sợ mọi người ném đá nhưng quả thực tôi thấy cuộc sống của mình quá ngột ngạt và bế tắc.