Khôi phục đường bay quốc tế: Đã bay nhưng chưa đón khách về Việt Nam

Những hành khách đầu tiên rời Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên được nối lại sau thời gian dài phải dừng vì dịch COVID-19.
Những hành khách đầu tiên rời Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên được nối lại sau thời gian dài phải dừng vì dịch COVID-19.
TPO - Từ hôm nay (18/9), các hãng hàng không của Việt Nam bắt đầu khai thác trở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ với 1 số quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều quy định, nên mới chỉ đưa khách từ Việt Nam đi chứ chưa thể đón khách về Việt Nam, dù Cục Hàng không dự kiến cho đón khách vào Việt Nam từ ngày 21/9.

Sáng 18/9, chuyến bay VN310 hành trình Hà Nội – Tokyo (Nhật Bản) của Vietnam Airlines đã cất cánh với gần 60 khách. Khách chủ yếu là các du học sinh, người lao động đến Nhật Bản để tiếp tục học tập, lao động và sinh sống, một số công dân Nhật về nước. Đây là chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines và của hàng không Việt Nam sau thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dự kiến, thời gian tới, Vietjet, sau đó là Bamboo Airways cũng bay quốc tế trở lại, với tần suất khai thác mỗi đường bay tối đa 2 chuyến khứ hồi/tuần (mỗi bên 1 chuyến). 

Cục Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ chỉ đạo các hãng hàng không vận chuyển khách quốc tế trên các chuyến thường lệ vào Việt Nam bắt đầu từ 21/9/2020. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thực hiện được điều này.

Bộ GTVT vừa có văn bảo báo cáo Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, về khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa ban hành được hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thu phí cách ly và kiểm tra y tế đối với hành khách nhập cảnh.

Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà máy, khách sạn... chưa có quy trình bàn giao, tiếp nhận và quản lý, giám sát các đối tượng được nhập cảnh Việt Nam; Chưa xây dựng tiêu chí đối với các đối tượng từ nước thứ 3 khi quá cảnh tại 6 địa điểm có chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách về Việt Nam.

Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn cách ly y tế đối với các đối tượng bay chuyến bay thương mại; phương án, quy trình xét nghiệm, cách ly y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh hiện cũng đang hoàn thiện.

Ngoài ra, các địa phương, trong đó có Hà Nội và TPHCM cần công bố rộng rãi các cơ sở lưu trú (khách sạn) để phục vụ công tác cách ly và tổng năng lực các khu cách ly.

Bộ GTVT đề nghị thành lập một tổ điều phối, quản lý và giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam và đưa về khu vực cách ly.

Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan sớm hoàn thiện các công việc chưa xong, để có thể cho phép khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại thường lệ đã được khôi phục trở lại.

Trước đó, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các nhà chức trách hàng không của 4 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Nhà chức trách các quốc gia và vùng này yêu cầu phía Việt Nam làm rõ quy trình nhập cảnh cách ly và các yêu cầu y tế bắt buộc, địa điểm nơi lưu trú.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.