Khởi nghiệp từ quy mô địa phương dễ thành công

Startup chia sẻ về công nghệ tại Techfest 2019 khai mạc hôm qua
Startup chia sẻ về công nghệ tại Techfest 2019 khai mạc hôm qua
TP - Tại Việt Nam đã xuất hiện startup được định giá trên 1 tỷ USD và nhiều startup được định giá 100 triệu USD. Thực chất, trọng tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp phải là địa phương.

Những bước nhảy vọt

Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest 2019) đang diễn ra ở tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ KH&CN, cho biết, Việt Nam đạt mức tăng trưởng phi thường về số lượng startup - từ 400 vào năm 2012 lên hơn 3.000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2016-2018 - từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Những bước tăng trưởng nhảy vọt đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lọt Top 3 Đông Nam Á, có mức tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Theo bà Thạch Lê Anh, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của quốc tế nhờ lợi thế dân đông, thị trường rộng lớn và sự quan tâm của Chính phủ. Startup Việt Nam từng bước vươn ra thế giới như Abivin - quán quân Techfest 2018 trở thành nhà vô địch Worldcup khởi nghiệp thế giới năm 2019, Medlink - giải nhì Techfest 2018 thành quán quân cuộc thi khởi nghiệp cho người Việt toàn cầu Vietchallenge. VNG được định giá 1 tỷ USD, MoMo, Topica… được định giá 100 triệu USD.

Ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley (VSV), nói rằng, trong 7 năm, VSV đã ươm tạo 80 dự án khởi nghiệp, trong số đó, 1/3 dự án thất bại ngay trong quá trình ươm tạo, 1/3 trở thành các công ty vừa và nhỏ. Số startup còn lại - 28/80 (chiếm 35%) đã thành công ở các vòng gọi vốn tiếp theo. Tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 10%). Nguyên nhân là startup Việt đang ở giai đoạn vàng phát triển.

Thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương

Ông Quất cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Các yếu tố như hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, văn hóa… cần tiếp tục hoàn thiện.

“Thực chất, trọng tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp phải là địa phương. Ở đó, các nền tảng của đổi mới sáng tạo là các trường đại học, viện nghiên cứu mới gắn sát được các nhu cầu và giá trị bản địa, tạo ra những môi trường thúc đẩy đầu tư kinh doanh và gia tăng quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua cách tạo dựng môi trường khởi nghiệp hợp lý”, ông Quất nói. Doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương phát triển dựa trên các thế mạnh của địa phương mới có thể giúp lôi kéo cộng đồng nhà đầu tư tại chính địa phương, trước khi những quỹ đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến. Trong khi đó, hiện nay, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính ở 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Các tỉnh thành khác trên cả nước vẫn đang loay hoay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng mình.

Ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley, cho rằng, điểm mạnh của startup Việt Nam là sức trẻ, sự nhiệt huyết, đam mê và sự hỗ trợ đến từ Chính phủ, cộng đồng, các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nhiều startup khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm xây dựng công ty, thiếu kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực theo đuổi, còn hạn chế về năng lực tài chính, khả năng ngoại ngữ.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.