Khơi mạch nguồn Tây Nguyên, Kỳ 2: Thế trận lòng dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị xác định Tây Nguyên phải xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, hợp tác hữu nghị với nhân dân vùng biên giới các nước bạn láng giềng. Để làm tốt công tác này, có vai trò đặc biệt quan trọng của những người lính mang quân hàm xanh. Họ đang tiếp niềm tin, nghị lực để bà con vùng biên giới vươn lên, ổn định cuộc sống.

Thôn, buôn trên vai người lính

Nhìn đàn bò lớn nhanh từng ngày, vợ chồng bà Huỳnh Thị Mai Tiến (61 tuổi, thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) vô cùng phấn khởi. Bà không chỉ vui vì đàn bò mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn bởi đây là kết quả của mô hình đảng viên phụ trách hộ gia đình do người lính biên phòng thực hiện.

Khơi mạch nguồn Tây Nguyên, Kỳ 2: Thế trận lòng dân ảnh 1

Bà Trần Thị Út (thứ 3 phải qua) trong ngôi nhà mới xây

Sinh sống trên mảnh đất nghèo của huyện biên giới, diện tích đất nhiều nhưng gia đình bà Tiến vẫn chật vật khó khăn vì đất đai cằn cỗi, bạc màu, khí hậu khắc nghiệt. Gia đình bà từ tỉnh Bến Tre lên đây năm 2004 theo dự án kinh tế quốc phòng. Vợ chồng được cấp 2 héc-ta đất trồng điều, nhưng thu nhập không được bao nhiêu vì cây cằn cỗi trái ít. Ông bà đi làm thuê cũng chỉ đắp đổi cuộc sống qua ngày. Trong lúc khó khăn, gia đình bà được thiếu tá Từ Văn Sương, đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ea Hleo đến nhà trao đổi phương kế sản xuất.

Dẫn chúng tôi ra phía sau căn nhà nhỏ, đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, bà Tiến cho biết, năm 2021 cán bộ Sương hỗ trợ 9 con bò, đầu năm 2022 hỗ trợ thêm 7 con. Sau gần 2 năm chăm nuôi, đàn bò phát triển tốt, hiện giờ, gia đình bà đã có 21 con, đến cuối năm nay sẽ sinh sản thêm 5 con. “Gia đình chưa có nguồn thu từ bán bò nhưng đã có nguồn thu từ phế phẩm bò. Năm 2021, tôi thu được gần 18 triệu tiền phân bò. Ở đây thương lái vào tận nơi mua, tôi chỉ việc đóng sẵn phân bò vào từng bao. Nguồn thức ăn dồi dào, mô hình nuôi bò sinh sản được nhiều hộ gia đình trong vùng đến tham quan và tìm hiểu để phát triển”, bà Tiến chia sẻ.

Khơi mạch nguồn Tây Nguyên, Kỳ 2: Thế trận lòng dân ảnh 2

Thiếu tá Từ Văn Sương hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống bệnh cho đàn bò

Kể về cơ duyên này, thiếu tá Từ Văn Sương - đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ea Hleo (xã Ia Lốp), cho biết mỗi ngày đến địa bàn anh lại dành thời gian đến các hộ gia đình tìm hiểu cuộc sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng bà con. Qua đó, anh biết được người dân muốn đầu tư vốn phát triển chăn nuôi. Đầu năm 2021, thiếu tá Sương bàn bạc với vợ bỏ tiền mua bò giống hỗ trợ hộ gia đình khó khăn.

Anh Sương hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò để các hộ gia đình nắm chắc kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn thường xuyên đến giúp đỡ các hộ gia đình đặc biệt khó khăn.

Đại úy Lê Minh Hùng, đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ea Hleo, phụ trách 5 hộ gia đình thôn Thạnh Phú (xã Ia Lốp), đã quá quen với từng con dốc, từng ngôi nhà ở khắp các thôn, buôn trên địa bàn. Bất kể nắng mưa, anh thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ trong đội bám nắm địa bàn để nghiên cứu, tìm hiểu tình hình thực tế và đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả công tác dân vận, củng cố thế trận lòng dân. Trong quá trình tìm hiểu, bám sát địa bàn, đại úy Hùng hỗ trợ cụ bà Bùi Thị Mười (trên 80 tuổi), sống một mình mỗi tháng 8kg gạo, trích từ lương của mình.

Trưởng thôn Phạm Văn Phú cho biết, thôn Thạnh Phú có 204 hộ, 642 khẩu, gần 90% hộ nghèo. Thời gian qua, nhờ sự giúp sức của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ cắm chốt thôn, buôn phụ trách các hộ gia đình khó khăn, người dân trong thôn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển nhiều mô hình giảm nghèo.

Những mái ấm biên cương

Trước ngôi nhà xây kiên cố, vợ chồng bà Trần Thị Út (SN 1957, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp) đang tỉ mỉ chăm sóc cây cảnh. Bà Út chia sẻ, cuộc sống ở tỉnh Bến Tre vất vả, bà lên đây lập nghiệp, chỉ dựa vào cây bắp, mì, lúa… phụ thuộc vào nước trời. Thu nhập thấp, cái đói, cái nghèo đeo bám mãi. Bà phải ở trong ngôi nhà tạm bợ. Năm 2020, bà được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Sau 2 năm chăm chỉ làm ăn tích góp và được con cái hỗ trợ 1 phần, vợ chồng bà có thêm 70 triệu đồng. Đầu năm 2022, bà xây được một ngôi nhà khang trang. An cư hai vợ chồng bà chăm chỉ làm ăn, hiện cuộc sống đã ổn định.

Đại úy Biza Rya, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Rvê chia sẻ, những năm qua, đơn vị đã phân công cán bộ, đảng viên về cơ sở phụ trách từng hộ gia đình, từng thôn, buôn và tham gia tích cực các hoạt động giúp dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thay đổi phương thức canh tác hợp lý, hiệu quả. Hiện có 20 đồng chí đảng viên phụ trách 85 hộ gia đình trên địa bàn xã.

“Buôn làng, Đắk Lắk mình thay đổi nhiều rồi. Bà con định canh định cư làm ăn ổn định, không đi phá rừng nữa. Đường về buôn đã thảm bê tông, không còn cảnh lội bùn; điện về bừng sáng từng nhà, bà con mua sắm máy móc phục vụ sản xuất”, già làng Y Hơ Êban (buôn Knia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) tự hào.

Theo già Y Hơ, dù cuộc sống hiện đại, bà con trong buôn vẫn giữ được nhiều giá trị truyền thống của người Êđê như mặc áo thổ cẩm dịp trọng đại. Tiếng cồng chiêng vẫn ngân lên, thúc giục mọi người vào hội, vòng tay xiết chặt, nhún nhảy theo điệu múa xoang uyển chuyển bên ngọn lửa bập bùng. Tất cả sự đổi thay ấy được già làng Y Hơ giới thiệu với các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa trong lần vinh dự được ra thăm đảo.

Theo đại úy Biza Rya, hạnh phúc nhất của cán bộ chiến sĩ là chứng kiến các gia đình do mình phụ trách vươn lên ổn định cuộc sống. Đối với cán bộ chiến sĩ cắm chốt thôn buôn, để hoàn thành được nhiệm vụ phải thực hiện 3 bám, 4 cùng. Chỉ có như vậy mới nắm chắc được địa bàn, phong tục tập quán và quan trọng nhất là phải hiểu rõ từng hộ dân. Từ đó, mới có cách tiếp cận, tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp và hiệu quả nhất.

Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư đảng ủy xã Ia Rvê cho biết, xã là nơi sinh sống của hơn 25 dân tộc, trên 2.100 hộ dân, dân tộc thiểu số chiếm 23,7%. Hộ nghèo chiếm khoảng 69%. Song hành với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng thường xuyên bám địa bàn, giúp đỡ những gia đình chính sách, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG