Những ngày gần đây, nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Oai… liên tục bị bao phủ bởi khói bụi tỏa ra từ việc đốt đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa.
Đã trở thành tập quán, sau khi thu hoạch lúa, người dân ngoại thành Hà Nội thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này kéo dài từ chiều...
...đến cả khi trời bắt đầu sẩm tối.
Không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu và bất thường.
Ảnh chụp ở thị trấn Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội).
Rơm được xếp thành từng đống nhỏ và lần lượt được châm lửa.
Khu vực xung quanh nơi đốt rơm khói mù mịt, hít thở còn khó, chưa nói đến chuyện di chuyển.
Người điều khiển phương tiện qua lại phải hết sức chú ý xung quanh vì tầm nhìn bị hạn chế.
Khói đốt rơm bay ra cả phía ngoài đường, khiến nhiều xe phải bật đèn pha.
Khói âm ỉ tỏa ra khắp nơi, bay lan lên cả quốc lộ ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của người dân.
Một người dân cho biết: "Việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch cũng đã thành tập quán của người làm nông để chuẩn bị tiếp cho vụ hè thu. Bản thân người dân cũng biết đốt như vậy là ảnh hưởng tới nhiều người nhưng không biết cách nào để xử lý hiệu quả hơn".
Còn theo các chuyên gia, rơm rạ một nguyên vật liệu đa dụng, có thể làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm rơm...
... hay làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, người dân cũng cho biết, nhu cầu dùng rơm rạ làm chất đốt của bà con không nhiều như trước đây nên nhiều hộ bỏ rơm ngoài ruộng. Vì thế, họ cứ để nguyên rơm ngoài ruộng như vậy mà đốt, tro sẽ thành phân bón tự nhiên cho ruộng mùa sau.
Theo các chuyên gia y tế, ngoài làm nhiệt độ không khí tăng cao, gây ô nhiễm môi trường, khói đốt rơm rạ còn gây nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.