Ngày 2/12, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, một số dự án trọng điểm đã được bố trí vốn như: Cụm Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường; Khu tưởng niệm Chiến khu D; Trường THPT chuyên Hùng Vương. Các dự án này hiện đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện sau nhiều năm chưa thực hiện.
Ngoài ra, một số dự án được xác định là trọng điểm, nhưng chưa thực hiện được gồm: Trường Đại học Thủ Dầu Một, Nhà thiếu nhi tỉnh Bình Dương.
Lý do mà ngành chức năng đưa ra là phải điều chỉnh dự án, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh,... dẫn đến một số dự án có thời gian bố trí vốn vượt quá quy định.
Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đang trong giai đoạn hoàn thiện sau nhiều năm bỏ hoang đất |
Trong các dự án trên có Trường Đại học Thủ Dầu Một đã bỏ hoang đất hơn 10 năm. Trước đó, khi lập đề án thành lập Đại học Thủ Dầu Một được bố trí giao 57,6 ha đất tại phường Thới Hòa thị xã Bến Cát, Bình Dương (cơ sở 2).
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Bình Dương quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng nhiều dự án trong Đại học Thủ Dầu Một cơ sở 2. Tổng số vốn được khái toán để xây ký túc xá, giảng đường, khu hành chính và các hạng mục phục vụ đào tạo... lên đến gần 5.000 tỉ đồng.
Dự án này ra đời nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhân dân về việc xây dựng một trường đại học quy mô, tương xứng với sự phát triển, đảm bảo yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho địa phương, nơi phát triển công nghiệp bậc nhất cả nước.
Được biết, các dự án đầu tư công bị “lãng quên” ở Bình Dương sẽ được nghiên cứu, bố trí nguồn vốn để khởi động lại trong giai đoạn 2021-2025.
Khu đất để thực hiện dự án trường Đại học Thủ Dầu Một đang bỏ hoang, dự kiến sẽ khởi động lại |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, dự kiến tổng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là hơn 69.562 tỷ đồng, trong đó, bố trí vốn cho các công trình thuộc Khối Văn hóa - Xã hội là hơn 9.255 tỷ đồng. Ngoài ra, dành một phần nguồn vốn thuộc Khối Quản lý nhà nước, An ninh - Quốc phòng, phân bổ cho các dự án công nghệ thông tin thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phục vụ phát triển thành phố thông minh.
Có 60 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn đầu tư là 3.246 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025 có 56 dự án khởi công mới và hoàn thành với tổng số vốn là 5.254 tỷ đồng. Các dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành sau năm 2025 là 2 dự án với tổng số vốn trên 332 tỷ đồng. Còn lại 78 dự án phân bổ cho các dự án quyết toán hoàn thành, công tác chuẩn bị đầu tư.
Các dự án được phân bổ theo ngành, lĩnh vực cụ thể: Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình 22 dự án, với số vốn hơn 2.409 tỷ đồng; 117 dự án sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề với số vốn hơn 5.775 tỷ đồng; 23 dự án công nghệ thông tin (trong đó có 10 dự án phục vụ Đề án thành phố thông minh), với số vốn 55,9 tỷ đồng; sự nghiệp phát thanh truyền hình 7 dự án, với số vốn 144,5 tỷ đồng; khoa học và công nghệ 2 dự án, với số vốn 13 tỷ đồng; sự nghiệp văn hóa thông tin 15 dự án, với số vốn 553 tỷ đồng; sự nghiệp thể dục thể thao 6 dự án, với số vốn 264 tỷ đồng; phân bổ cho một số lĩnh vực khác 4 dự án, với số vốn 73,7 tỷ đồng.