Nhà máy nhiệt điện Thái Bình có tổng công suất 600 MW gồm 2 tổ máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc (Thái Thuỵ, Thái Bình). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,27 tỷ đôla; trong đó, vốn viện trợ ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%; 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN.
Dự án là một trong hai nhà máy của Trung tâm điện lực Thái Bình thuộc tổng sơ đồ VII, có sản lượng phát điện hàng năm 3,6 tỷ kWh. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, là loại công nghệ được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhiên liệu cho nhà máy là than anthracite nội địa ở tỉnh Quảng Ninh. Nhu cầu tiêu thụ than cho nhà máy nhiệt điện khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm.
Dự án có tổng công suất 600 MW gồm 2 tổ máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Gói thầu 11 là gói thầu xây dựng nhà máy chính, được thực hiện theo hình thức EPC. Nhà thầu Marubeni trúng thầu với giá trị hợp đồng 1,02 tỷ đôla.
Chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng cho biết, quá trình chuẩn bị cho dự án bắt đầu từ năm 2007, hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho trung Tâm nhiệt điện Thái Bình đã hoàn thành.
Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ được vận hành vào quý IV/2017. Tổ máy 2 vận hành vào cuối quý II/2018. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lượng, cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đồng bằng sông Hồng, đồng thời góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thuỷ điện.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng nguồn điện đã cơ bản được đảm bảo cho phát triển kinh tế- xã hội. Nhiệt điện Thái Bình là dự án trọng diểm cho phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. “Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình không chỉ cung cấp cho điện phía Bắc mà còn đáp ứng nguồn điện cho phía Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương nhân dân xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy đã đồng sức đồng lòng để bàn giao mặt bằng để triển khai dự án và về chỗ ở mới.