Khoảng trống bảo hiểm y tế học sinh lớp 12

Nhiều gia đình ngớ người khi thẻ BHYT của học sinh lớp 12 hết hạn từ tháng 5. (Ảnh minh họa).
Nhiều gia đình ngớ người khi thẻ BHYT của học sinh lớp 12 hết hạn từ tháng 5. (Ảnh minh họa).
TPO - Do thời gian thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh lớp 12 chỉ có hiệu lực tới hết tháng 5, nhiều gia đình không để ý, chỉ khi con ốm đau, nhập viên mới ngớ người.
Con nhập viện mới ngã ngửa

Chị Nguyễn Thị Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con là học sinh lớp 12. Cháu  vừa trải qua kỳ thi chung hồi tháng 6 vừa qua. Thi xong được 2 tuần, con chị Hạnh không may nhiễm dịch sốt xuất huyết. Khi con nhập viện chị Hạnh mới ngớ người khi thẻ BHYT của con đã hết hạn từ 31/5/2017. Gọi điện thoại hỏi cô giáo chủ nhiệm chị mới biết, theo quy định, thẻ BHYT với học sinh lớp 12 chỉ tính tới hết tháng cuối của năm học. Chị Hạnh phải ngậm ngùi móc ví gần 10 triệu đồng thanh toán chi phí điều trị tự nguyện cho con. 

“Trước nay mình không để ý, nhà trường bảo đóng tiền BHYT bao nhiêu mình đóng vậy, nghĩ sẽ hết năm như các năm học trước. Cũng không ai lưu ý gì với gia đình về việc thẻ bảo hiểm của học sinh lớp 12 chỉ có thời hạn hết năm học. Giờ con ốm phát hiện ra cũng chẳng làm được gì nữa”, chị Hạnh kể.

Cũng hơn 1 tuần trước, gia đình nhà văn Y Ban (ở Long Biên, Hà Nội) đang băn khoăn lo chọn trường cho con bỗng con chị đau bụng bất thường. Vội đưa cháu vào viện cấp cứu, bác sĩ kết luận con chị bị viêm ruột thừa. Khi nhà văn Y Ban làm thủ tục nhập viện mới phát hiện thẻ BHYT của con đã hết hạn.

“May con mình không phải mổ nên chỉ mất viện phí hơn 2 triệu đồng, nếu mổ phải mất hơn chục triệu đồng mà không được bảo hiểm thanh toán. Đâu ai nói với mình thẻ BHYT của con chỉ hết tháng 5 để mua bổ sung. Thậm chí, khi con nhập viện mình vẫn vô tư đưa thẻ BHYT của con cho nhân viên bệnh viện. Khi đó bệnh viện trả lại thẻ hết hạn mình cũng mới biết”, chị Y Ban kể.

Trường hợp như con chị Hạnh, nhà văn Y Ban không hiếm, khi mỗi năm học sinh lớp 12 cả nước khoảng 600.000 - 800.000 em. Nhưng nhiều gia đình chỉ phát hiện ra bất cập trong thời hạn thẻ BHYT khi con em mình nhập viện.

Không chỉ thẻ BHYT hết hạn giữa chừng, không ít gia đình còn bị đẩy vào thế khó, khi con em mình vẫn tiếp tục học lên chuyên nghiệp. Khi nhập học năm học mới (khoảng tháng 9), lại được trường mua BHYT mới, nên mua cũng dở, không mua cũng dở. 

Học hết lớp 12 là tháng 5, nhưng phải hết tháng 6 các em mới kết thúc các kỳ thi tốt nghiệp, đại học, tháng 7-8 là thời điểm để nhiều em quyết định học tiếp hoặc đi làm. Cũng vì ngắt quãng như vậy, nên quyền lợi lên quan tới những ưu đãi do tham gia BHYT 5 năm liên tục cũng bị cắt.

Theo Luật BHXH 2014, học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua BHYT. Tuy nhiên, với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thời hạn thẻ BHYT chỉ tính tới hết tháng cuối của năm học (không tính hết năm theo lịch). 

“Phần nhà nước hỗ trợ mua BHYT cho học năm cuối có thể chỉ hết năm học. Nhưng nhà trường, cơ quan bảo hiểm nên thông báo gia đình biết. Để gia đình có thể đóng thêm tiền cho những tháng còn lại tới hết năm, hoặc mua BHYT theo hộ gia đình. Không nên đem con bỏ chợ như vậy”, chị Hạnh góp ý.

Vướng phần ngân sách hỗ trợ

Trả lời PV Tiền Phong, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc thẻ BHYT học sinh lớp 12 chỉ tính tới hết tháng cuối của năm học liên quan tới phần ngân sách nhà nước hỗ trợ. Phần 30% phí đóng BHYT ngân sách nhà nước hỗ trợ học sinh lớp 12 chỉ tới hết năm học, nên thẻ BHYT cũng chỉ có thời hạn tới đó. Theo ông Liệu, bất cập trên cơ quan bảo hiểm đã nắm được và có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Tài chính khắc phục. Đồng thời, cũng kiến nghị sửa đổi quy định cho phù hợp hơn.

Theo ông Liệu, Thông tư liên tịch 41/2014, của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định, BHYT học sinh lớp 12 có thời hạn tính từ đầu năm tới hết tháng cuối của năm học (tức 31/5). Từ 1/6 trở đi thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tham gia loại hình BHYT này còn rất thấp (dưới 2%). Do đó, gây ảnh hưởng tới quyền lợi học sinh năm cuối. 

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, nội dung trên đã được các bên thống nhất sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 105/2014.

“Trong thời gian chờ ban hành quy định mới, chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế, Tài chính thống nhất thời hạn thẻ BHYT của học sinh lớp 12 tới hết 30/9 của năm học cuối, để kịp thời cấp thẻ BHYT và thực hiện từ năm học 2017-2018. Chúng tôi đang đợi phản hồi của các bộ để thực hiện từ năm học tới”, ông Liệu nói.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm 2016 trên 12,5 triệu người, với số tiền phí trên 8.000 tỷ đồng; năm 2017 dự kiến có trên 13 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, với số tiền phí trên 8.500 tỷ đồng. Trong đó, 30% số phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ. 

Số dư Quỹ BHYT năm 2017 dự kiến khoảng 38,5 nghìn tỷ đồng, bội chi quỹ khoảng 11.300 tỷ đồng. Tới năm 2020, bội chi Quỹ BHYT lên tới 28.000 tỷ đồng. Dù bội chi Quỹ BHYT nhưng rõ ràng đây đang là khoảng trống bất cập, gây thiệt thòi cho học sinh và gia đình nếu không may đột nhiên lâm bệnh.
MỚI - NÓNG