Khoan, đục tháp Chăm ngàn năm tuổi treo biển quảng bá du lịch gây phẫn nộ

Khoan, đục tháp Chăm ngàn năm tuổi treo biển quảng bá du lịch gây phẫn nộ
Hai tháp Chăm ngàn năm tuổi ở Bình Định bị khoan đục, gắn sắt treo biển quảng bá điểm đến khiến nhiều người bức xúc.

Chiều 6-5, trao đổi với PLO, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết đã yêu cầu Bảo tàng tỉnh này kiểm tra, tháo dỡ ngay các dòng chữ gắn trên hai tháp Chăm cổ là tháp Đôi (ở TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (ở huyện Tuy Phước).

Khoan, đục tháp Chăm ngàn năm tuổi treo biển quảng bá du lịch gây phẫn nộ ảnh 1 Các dòng chữ treo trên tháp Đôi bằng sắt thép câu lại. 

Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Bình Định thừa nhận việc khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép, gắn bảng trên hai tháp Chăm cổ đã xâm hại đến di tích, dư luận búc xúc là có cơ sở.

“Mục đích của anh em là treo biển để quảng bá giá trị di tích, giới thiệu điểm đến du lịch, có nơi để du khách chụp ảnh. Anh em làm công tác quản lý di tích nên biết giá trị của di tích chứ không cố ý xâm hại đâu. Nhưng đục khoan, gắn biển trên di tích tháp cổ như vậy là không được. Chúng tôi tiếp thu ý kiến phản ánh, đồng thời phê bình, chấn chỉnh ngay để bảo vệ giá trị di tích”- ông Tạ Xuân Chánh nói.

Khoan, đục tháp Chăm ngàn năm tuổi treo biển quảng bá du lịch gây phẫn nộ ảnh 2 Các trụ, cây sắt gắn trên tháp Đôi. 

Trước đó, từ chiều 5-5, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ các hình ảnh tháp Đôi, tháp Bánh Ít ở Bình Định bị khoan, đục vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng giới thiệu tên di tích, quảng bá điểm đến du lịch. Nhiều ý kiến phản đối gay gắt việc làm này, cho rằng đã xâm hại, làm hỏng các di tích có kết cấu cả ngàn năm của khối gạch cổ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm vô ý thức, không biết giá trị các di tích cả ngàn năm tuổi, làm mất thẩm mỹ các di tích vốn rất nổi tiếng…

Theo tài liệu của Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Bình Định, cụm di tích tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII) và là quần thể còn nhiều tháp nhất (bốn tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định. Về mặt kiến trúc, tháp Bánh Ít mở ra một phong cách mới của kiến trúc Chăm ở Bình Định. Tháp Bánh Ít được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1982. Gần đây, di tích này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm, được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh...

Tháp Đôi là công trình kiến trúc được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XII với kết cấu hai khối liền kề. Tháp lớn cao 20 m, tháp nhỏ thấp hơn một ít. Năm 1980, di tích Tháp Đôi này được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Theo Theo Pháp Luật TPHCM
MỚI - NÓNG