Du lịch nghỉ lễ: Lặp lại kịch bản 'mua bực vào người'

Chuỗi hình ảnh quá tải ở nhiều điểm đến trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5
Chuỗi hình ảnh quá tải ở nhiều điểm đến trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5
TP - Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trao đổi với Tiền Phong xung quanh câu chuyện hễ nghỉ lễ lại quá tải du lịch-kịch bản lặp lại những năm gần đây.

Loạt bãi biển ken đặc người ở nhiều nơi như Sầm Sơn, Bãi Cháy, Cửa Lò. Thành phố Đà Lạt hết mộng mơ khi người chen người. Phố núi Sa Pa cũng kẹt cứng với dòng người đổ về. Ông nghĩ gì về bức tranh du lịch này?

Đúng là hiện nay tình trạng quá tải ở các điểm đến trở thành bi kịch của du lịch Việt Nam. Tình trạng này không phải triết lý mà ngành du lịch hướng tới-thông qua du lịch tái tạo sức khỏe, mở mang kiến thức, trải nghiệm, từ đó góp phần tái tạo năng lượng để con người làm việc tốt hơn. 

Ông có thể lí giải về “bi kịch” vốn quen thuộc những năm gần đây?

Việc này thể hiện tâm lý đám đông, du lịch mất kiểm soát, thiếu lựa chọn và rất ngẫu hứng của người Việt. Người dân thường đổ xô đến các điểm du lịch, khu vực mà sức chứa bị vượt quá nên dễ dẫn tới quá tải. Khi quá tải kéo theo một loạt mặt trái như quyền lợi của khách du lịch không được đảm bảo, chất lượng dịch vụ xuống cấp, tình trạng lừa đảo chặt chém xuất hiện, đương nhiên môi trường du lịch bị ảnh hưởng, du lịch càng không thể đạt được như triết lí mong muốn.

Làm thế nào để không còn hiện tượng quá tải mỗi dịp nghỉ lễ?

Ngành du lịch lên tiếng nhiều lần rồi, khuyến cáo người dân khi du lịch phải xây dựng kế hoạch chủ động, lựa chọn điểm đến và thời điểm đi sao cho phù hợp với túi tiền, với sản phẩm mong đợi. Để tránh chặt chém và lừa đảo, người dân nên lựa chọn khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch uy tín. Các nhà quản lý, người làm du lịch khuyến cáo nhiều rồi, nhưng do thói quen và tâm lý của người Việt nên tình trạng đó vẫn lặp lại.

Có thể nói điều đáng mừng là nhiều người Việt có mức thu nhập cao hơn, từ đó có điều kiện coi du lịch như tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống, càng ngày lượng người du lịch tăng lên. Tuy nhiên điều đáng buồn là nhiều người vẫn có xu hướng du lịch ngẫu hứng và thiếu kế hoạch dẫn đến hệ lụy lớn, bản thân họ cũng bỏ khoản tiền không nhỏ nhưng lại mua bực vào người.

Thực tế bên cạnh việc mua tour du lịch có tổ chức, người dân ngày càng có xu hướng tự lên kế hoạch đặt dịch vụ tiện lợi thông qua các sàn giao dịch. Liệu các điểm đến, khu du lịch nên đặt ra ngưỡng cảnh báo quá tải không?

Ở các điểm đến không thể biết lượng khách đến đó bao nhiêu, bởi người ta chủ động đi theo gia đình, nhóm. Có thể thấy bên cạnh những điểm đến vắng khách như Đồ Sơn, lại có những nơi quá tải khủng khiếp như Sầm Sơn, Bãi Cháy, Cửa Lò, Đà Lạt. Các nhà quản lý và các điểm đến du lịch không lường trước được do tính tự phát của thị trường. Việc này không phải ngày một ngày hai mà cứ lặp đi lặp lại, cứ đến ngày lễ tết lại quá tải, báo chí hay dùng từ “thất thủ” để nói về tình cảnh ấy. 

Bên cạnh những nơi quá tải vẫn có nhiều điểm đến tốt, hấp dẫn nhưng ít được quan tâm hơn như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tôi vừa đến Mũi Né (Bình Thuận) thấy rất ổn, hài lòng. Du khách tới bãi biển vừa đủ để khác ngày thường nhưng không đến mức quá tải. Thời tiết đẹp, ẩm thực ngon, con người thân thiện nhưng chưa được nhiều gia đình lựa chọn.

Rõ ràng những điểm đến nêu trên hấp dẫn nhưng dường như chưa thành công trong quảng bá, thu hút du khách?

Đúng là người làm du lịch ở những vùng này quảng bá điểm đến chưa đến độ. Khách chưa thực sự hiểu biết về các sản phẩm như thế nên họ vẫn đổ xô về những điểm đến quen thuộc, dễ quá tải.

Gần đây xu hướng người Việt du lịch nước ngoài dịp lễ ngày càng tăng, theo ông có phải là giải pháp để tránh quá tải du lịch trong nước?

Người Việt đang dành những kỳ nghỉ để du lịch nước ngoài nhiều hơn, tôi nghĩ đó cũng là xu hướng tốt. Điều chắc chắn rằng ở nước ngoài vào những kỳ nghỉ này không quá tải như du lịch trong nước. 

Cảm ơn ông!

Du lịch thông minh cách nào?

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Đông, Hà Nội) rất ít khi chọn du lịch vào các kỳ nghỉ dài ngày, dịp lễ lớn trong năm. “Du lịch không phải là phung phí mấy ngày nghỉ trong tình cảnh bực bội vì đông đúc, chất lượng dịch vụ thua kém ngày thường. Tôi thường đưa gia đình đi nghỉ vào thời điểm phù hợp vừa nhiều lựa chọn, không phải chịu cảnh tắc nghẽn”, anh nói. Không xách va li lên đi xa, gia đình anh dành thời gian này để thưởng thức không khí vắng vẻ, thư thả ngay tại thủ đô.

Gia đình chị Phạm Thùy Dương (Long Biên) không kỳ nghỉ nào ở lại nhà, nhưng có nguyên tắc riêng tránh đông đúc: Tránh xa điểm đến dễ quá tải, nếu vẫn chọn nơi “hot” sẽ đặt tour qua công ty uy tín để đảm bảo dịch vụ, luôn tìm những điểm đến mới nhiều người chưa quan tâm để khám phá.

Các nhà làm du lịch nhiều lần lên tiếng cảnh báo người dân nên có kế hoạch sớm, đặt trước tour qua công ty du lịch uy tín, hoặc đặt trước các dịch vụ từ sớm với trường hợp du lịch tự túc. Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin về vùng đất chuẩn bị đặt chân tới, có kế hoạch phù hợp cho mỗi chuyến đi.

MỚI - NÓNG