Beijing Youth Daily dẫn lời cô Li cho biết các học viên khi tham gia khóa học trên sẽ vừa được học lý thuyết vừa được thực hành trong thời gian 10 ngày. "Kết thúc khóa học, họ có thể nhận biết được 70% hàng hóa cao cấp được làm giả trên thị trường", Li nói.
Theo cô, các học viên sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học nếu như vượt qua các bài kiểm tra cuối khóa. "Đến nay, chưa có cơ quan nào ở Trung Quốc cấp loại chứng chỉ tương tự như thế. Tôi không nghĩ một người có thể kiểm định được chất lượng chỉ sau một khóa học", Li nói. Cô cũng tiết lộ đã tốn hơn 652.000 USD mua các mặt hàng xa xỉ về để nghiên cứu.
Theo ECNS, hầu hết học viên làm việc tại các cửa hàng chuyên bán đồ second-hand (hàng đã qua sử dụng), nhân viên chăm sóc khách hàng hay những người chuyên bán sản phẩm cao cấp.
Dong, một giáo viên chịu trách nhiệm tuyển sinh, nói rằng để đảm bảo chất lượng thì một lớp học như vậy không nên có quá 10 học viên. "Chúng tôi hy vọng họ sẽ có đóng góp trong việc xác thực hàng hóa xa xỉ", Dong nói.
Việc chứng thực các mặt hàng xa xỉ phẩm ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong bối cảnh nhiều hàng hiệu, hàng đã qua sử dụng và hàng giả tràn lan trên thị trường trong nước. Do thiếu các tiêu chuẩn cho phép, lĩnh vực này đang phát triển khá hỗn loạn và không thể đáp ứng được vai trò của mình trong các vụ tranh chấp giữa người mua và người bán.
Theo Hướng Dương