Khổ với “bệnh khó nói”

Bị són tiểu gây nhiều phiền toái trong cuộc sống nhưng ít người đến cơ sở y tế điều trị
Bị són tiểu gây nhiều phiền toái trong cuộc sống nhưng ít người đến cơ sở y tế điều trị
Theo Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, trong cộng đồng hiện có 15%-35% phụ nữ mắc chứng són tiểu và đây là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với họ.

Bị són tiểu gây nhiều phiền toái trong cuộc sống nhưng ít người đến cơ sở y tế điều trị vì ngại ngùng xấu hổ, đặc biệt ở phụ nữ. Nhiều người chấp nhận giải pháp “sống chung với lũ”.

Cắn răng chịu đựng

Chị N.T.L.L (27 tuổi, ngụ Đắk Lắk) là giáo viên cấp 3, chưa lập gia đình nhưng bị chứng són tiểu hành hạ. Mỗi khi đứng lớp, chị rất lo sợ bị ho, hắt hơi vì mỗi lần như thế là bị són tiểu không kiểm soát. Thế nhưng nhiều năm qua, chị không dám đi khám điều trị phần vì bận bịu công việc phần vì ngại ngùng. Trong một lần ngồi uống nước với bạn trai gần đây, chị L. như muốn độn thổ vì sự cố són tiểu sau khi cười lớn. “Chịu hết nổi rồi chị ấy mới vào bệnh viện khám và được chúng tôi đo niệu động lực học rồi hướng dẫn tập vật lý trị liệu” - một nữ bác sĩ sản khoa kể lại.

Còn chị L.T.T.N (37 tuổi, ngụ TP HCM), một nhân viên văn phòng, đã sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, sau khi sinh, chị gặp khá nhiều bất tiện trong sinh hoạt, mất tự tin trong giao tiếp vì mắc chứng nói trên. Khi thay đổi tư thế từ ngồi xổm (nấu, giặt) sang đứng chị N. luôn bị tiểu không kiểm soát.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Khoa Niệu Bệnh viện FV TP HCM, cho biết són tiểu là hiện tượng nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể theo đường tiểu tự nhiên mà không theo ý muốn. Đây là một rối loạn sinh lý gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cá nhân, gia đình và giao tiếp xã hội. Là bệnh khó nói nên không ít người cắn răng chịu đựng trong nhiều năm. Nhiều người đến khám khi bệnh đã quá nặng, cơ quan sinh dục ngoài do ẩm ướt lâu ngày đã nhiễm trùng nghiêm trọng.

Theo PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Bình dân TP HCM, có 15%-35% phụ nữ mắc chứng són tiểu. Mặc dù chứng bệnh này là nỗi ám ảnh thường xuyên, gây nhiều phiền toái nhưng rất ít bệnh nhân chủ động đi khám và điều trị.

Lấy lại tự tin không khó

Giới chuyên môn cho biết són tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ nhưng chủ yếu ở nữ và có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục do luôn ở trong tình trạng ẩm ướt; chứng này không gây chết người và cũng không bắt buộc phải điều trị nếu bệnh nhân chấp nhận “sống chung với lũ”. Về nguyên nhân dẫn đến són tiểu ở nam giới, có thể do mắc phải một số bệnh như sưng tuyến tiền liệt, đái tháo đường hay Parkinson. Bệnh khá phổ biến sau phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến. Ngoài ra, bệnh còn bắt nguồn từ những nguyên nhân khó giải thích, chẳng hạn như hiện tượng hoạt động quá mức của bàng quang.

Theo PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, són tiểu là do thoái hóa mô cơ, giãn dây chằng nâng đỡ vùng dây chậu dẫn đến tình trạng tiểu không kiểm soát, nước tiểu thoát ra thình lình không theo ý muốn khi ho, hắt hơi, cười; đi lại, tập luyện thể thao, nâng vật nặng; thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng; đi tiểu nhiều lần trong ngày. Ở nữ, bệnh són tiểu do ảnh hưởng của việc mang thai, sinh con hoặc suy giảm nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh khiến vùng sàn chậu yếu đi.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, người mắc chứng này phần lớn có tâm lý ngại ngùng nên không dám nói với ai. Đối với nhiều người, đây là nỗi khốn khổ, trở ngại trong cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng tới cả chuyện chăn gối, đổ vỡ gia đình…

Trước đây, khi đối mặt với chứng bệnh khó nói này, các bệnh nhân đều phải chấp nhận giải pháp phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có phương pháp mới áp dụng điều trị hiệu quả và 70% bệnh nhân mắc bệnh khó nói này sẽ không phải mổ. Đó là kỹ thuật tập vật lý trị liệu với máy tập sàn chậu và kỹ thuật này hiện được một số bệnh viện chuyên khoa, sản khoa áp dụng.

Dễ lầm với bệnh khác

PGS-TS Vũ Lê Chuyên lưu ý chứng này rất dễ lầm với các loại bệnh khác nên nếu chẩn đoán không đúng việc phẫu thuật sẽ thất bại, són tiểu không hết mà còn gây bí tiểu. Các bệnh dễ lầm là bàng quang tăng hoạt, viêm mô kẽ bàng quang, viêm bàng quang nội tiết…, do vậy người mắc cần được chẩn đoán với nhiều thiết bị để xác định rõ ràng. Hiện các cơ sở y tế như bệnh viện Bình Dân, Từ Dũ, Hùng Vương, một số bệnh viện tư nhân… có điều trị chứng này.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG