Khó truy trách nhiệm cá nhân để quy hoạch bị phá nát

"Rừng" chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Trang.
"Rừng" chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Trang.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng một tòa nhà hình thành không phải trong một nhiệm kỳ. Vì thế, không phải cá nhân mà chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM, trao đổi với báo chí liên quan đến câu chuyện quy hoạch bị phá nát và những bất cập ở TP.

'Khó cắt khúc trách nhiệm cá nhân'


- Những năm gần đây, nhiều tuyến đường tại TP.HCM “ngộp thở” bởi các cao ốc chung cư phát triển quá nhanh, như Nguyễn Hữu Cảnh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ… với hàng chục nghìn căn hộ chung cư trên mỗi tuyến đường, gây áp lực tới hạ tầng giao thông. Báo cáo của Quốc hội có nêu việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện tại nhiều dự án bất động sản ở các đô thị. Bà đánh giá thế nào về thực trạng “tùy tiện” này ở TP.HCM?

- Việc đánh giá có tùy tiện hay không, tôi chưa thể kết luận bởi trong quá trình điều chỉnh mỗi dự án đều có lý do và lý lẽ riêng. Tôi chưa nắm được lý do, lý lẽ của từng dự án nên không thể kết luận.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có thể thấy rất rõ những hậu quả lâu dài của việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch gây ra. Dân cư tăng cục bộ ở một số khu vực, dẫn đến chuyện kẹt xe. Cùng với đó là những vấn đề như hạn chế trường học, bệnh viện, dịch vụ tiện ích khác.

- Vậy, theo bà trách nhiệm của ai khi để xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện?

- Những tòa nhà có được phải trải qua một quá trình rất lâu, không phải là một nhiệm kỳ. Rõ ràng không chỉ cá nhân mà chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm khi đã để xảy ra sự tắc trách đó.

Việc quy hoạch luôn có sự có kế thừa nhiều nhiệm kỳ, khó có thể cắt khúc ra từng người, từng giai đoạn. Có những vấn đề có thể chỉ tên được ngay thời điểm đó, nhưng quá trình phát triển là rất dài.

Theo tôi, sắp tới, chuyện này được rút kinh nghiệm như thế nào mới là điều quan trọng. Nếu không rút kinh nghiệm của chuyện quản lý quy hoạch thì hậu quả rất lớn.

Trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sắp tới, TP. phải tính toán lại, tìm giải pháp để giảm những hạn chế hiện nay ở các khu vực có vấn đề. Phải làm sao để tăng diện tích giao thông, cây xanh, chỗ học cho các cháu. Cũng cần phải có kế hoạch bố trí lại toàn khu như thế nào cho hợp lý.

Về lâu dài, việc rút kinh nghiệm cũng phải áp dụng cho các khu vực khác, cho những đồ án quy hoạch mới. Việc cấp phép, chấp thuận đầu tư phải được cân nhắc.

'Đường trên bản đồ và thực tế rất khác nhau'


- Nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra lợi ích nhóm, lợi ích nhà đầu tư khi để xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Cũng có người nói rằng tầm nhìn của người làm quy hoạch hạn chế. Bà thấy hiện trạng này ở TP.HCM như thế nào?

- Tôi không bình luận, nhưng tôi muốn nói hạn chế hạ tầng của TP.HCM còn xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc hiện thực hóa quy hoạch.

Trong nhiều đồ án quy hoạch đều tính toán đến diện tích dành cho giao thông với tỷ lệ đảm bảo. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa quy hoạch đó thành một tuyến đường, một cây cầu cụ thể lại rất chậm. Nói cách khác, đường trên đồ án và đường thực tế rất khác nhau.

Tầm nhìn, năng lực quản lý có trong quy hoạch ban đầu có thể có, quy hoạch đường xá cũng có. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện thì kinh phí ngân sách đầu tư cho hạ tầng luôn không đủ. Có nhiều tuyến đường đã có chủ trương đầu tư nhưng không có tiền, ngân sách chưa thể bố trí.

Hiện nay, với điều kiện của TP.HCM, phần ngân sách giữ lại cho địa phương không đủ triển khai cùng lúc nhiều dự án giao thông. Bởi vậy, tôi cho rằng cái vướng lớn nhất là tiền và kinh phí. Ví dụ ai cũng nghĩ đường vành đai 2 và 3 là rất cần thiết nhưng nguồn tiền lấy ở đâu. Đó là cái khó rất lớn của TP.HCM.

Mặt khác, khi các dự án triển khai chậm lại lại càng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để càng lâu cũng càng khó thực hiện do tiền đền bù, giải tỏa luôn luôn tăng. Chính quyền cũng gặp khó khăn khi thuyết phục người dân nhường chỗ để triển khai các dự án đó.

'Đầu tư cho hạ tầng thì không còn tiền cho mảng khác!'


- TP.HCM cấp phép rất nhiều dự án bất động sản tạo ra nguồn thu lớn. Tại sao không lấy nguồn thu đó để đầu tư cho hạ tầng?

- Đúng là nguồn thu từ đất đai rất lớn, nhưng thành phố phải nộp về trung ương theo tỷ lệ nhất định. Với phần giữ lại, nếu đầu tư hết cho hạ tầng thì không còn nguồn cho những mảng khác.

Tại một số tỉnh thành, một số mảng được trung ương chi, nhưng ở TP.HCM, chính quyền thành phố phải làm hết. Do đó, thành phố chỉ chi được một mức nào đó cho đầu tư phát triển, còn bao nhiêu mảng về an sinh xã hội cần được giải quyết.

Trong điều kiện hiện nay, ngân sách được giao của thành phố ngày càng tăng cao cả số tuyệt đối và tỷ lệ. Thành ra thu được càng nhiều càng phải nộp về trung ương nhiều. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng từng nói rất nhiều lần vấn đề này. Ông cho rằng dân số TP.HCM cao hơn bao nhiêu lần, nhưng đường xá hạ tầng rất khiêm tốn.

- Vậy tại sao TP.HCM không “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là nếu không đảm bảo hạ tầng thì đừng cấp phép ồ ạt các dự án bất động sản nữa?

- Tôi chưa bàn về vấn đề gì khác, nhưng nếu dự án đúng quy hoạch, có nhà đầu tư họ muốn vào làm thì mình cũng phải khuyến khích họ chứ. Họ đầu tư để khu vực đó tốt hơn, đồng thời ngân sách cũng có nguồn thu để đáp ứng các nhiệm vụ khác.

- Trong thời gian tới đoàn đại biểu Quốc hội sẽ giám sát vấn đề thực hiện đúng quy hoạch, chấp hành pháp luật về đất đai như thế nào thưa bà?

- Kỳ này Quốc hội đã có giám sát tối cao, thời gian tới sẽ ra nghị quyết về vấn đề này. Khi đó, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ tiếp tục giám sát việc triển kai thực hiện quản lý quy hoạch đất đai và xây dựng tại thành phố.

Đoàn ĐBQH thành phố cũng đang tập trung giám sát một số vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch và sử dụng đất đai. Ví như các dự án quy hoạch treo, quy hoạch kéo dài mà chậm được điều chỉnh cho phù hợp, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân.

Phần này đang được các ĐBQH thành phố rất đeo bám, thúc đẩy chính quyền có giải pháp phù hợp để tháo gỡ.

Đồng thời, trong thời gian tới Đoàn ĐBQH cũng có ý kiến với Luật Đất đai sửa đổi, thay đổi những điểm mà thực tiễn không còn phù hợp. Tôi mong rằng luật mới sẽ giúp người dân có thể thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ. Đồng thời, Nhà nước có thể quản lý tốt, khai thác tốt nguồn tài nguyên quan trọng là đất đai.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).