Theo đó, bệnh nhân Lục Văn B ở huyện miền núi Thường Xuân cho biết, trước đó khoảng một tuần anh có triệu chứng ho nhiều về đêm, khó thở, chảy máu mũi, đau nhức, ngứa ngáy khó chịu ở vùng mũi. Anh B đã đi khám ở một số cơ sở y tế trên địa bàn nhưng chỉ được chẩn đoán viêm mũi, chảy máu mũi. Anh được kê đơn, uống thuốc nhưng không đỡ mà còn có triệu chứng nặng hơn.
Sau đó, anh được gia đình đưa đi khám tại Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Qua thăm khám lâm sàng, nội soi mũi họng, các bác sĩ phát hiện có dị vật sống hình dạng tương tự với loài vắt, đỉa rừng đang di chuyển trong khe mũi của bệnh nhân.
Các bác sĩ nội soi gắp đỉa |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Đơn nguyên đầu mặt cổ, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: Khi dùng ánh sáng soi vào, dị vật di chuyển liên tục từ khe mũi trên bên phải xuống khe mũi dưới với tốc độ nhanh. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về phòng mổ để gắp dị vật. Ban đầu bệnh nhân được gây tê nhưng do dị vật thuộc ngành giun đốt rất trơn, di chuyển và lẩn trốn nhanh khi đụng vào nên rất khó để xác định vị trí chính xác của dị vật. Hơn nữa do cấu trúc hốc mũi hẹp nên việc tìm và lấy dị vật sống lại càng khó khăn hơn. Các bác sĩ quyết định chuyển sang phương pháp nội soi gây mê để việc gắp dị vật sống được thuận lợi hơn.
Con đỉa được gắp ra khỏi mũi của bệnh nhân |
Sau 45 phút tìm kiếm, dị vật được gắp ra là một con đỉa còn sống dài 5 cm, to gần bằng chiếc đũa bám trong khe mũi trên bên phải của bệnh nhân. Đây là con đỉa trâu hút máu rất khỏe. Ngay sau khi gắp được dị vật ra, bệnh nhân đã hết các triệu chứng ngứa ngáy và khó thở, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Con đỉa khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước bé, nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn chúng hút máu và phát triển rất nhanh. Vì vậy, người dân không nên sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh ở các khe suối để uống, đề phòng đỉa, vắt chui vào cơ thể.