Trên trang web của mình, Adidas cho biết sẽ giảm tới 50% các mặt hàng giày thể thao, quần áo thể thao. Tổng số sản phẩm lên tới hơn 1.000 đơn vị. Một đôi giày nữ có mức giá mới chỉ 45 USD, tương đương khoảng 1 triệu đồng, hàng Mỹ. Cộng cả công vận chuyển, hàng về Việt Nam có giá khoảng 1,3 triệu đồng. Calvin Klein giảm tới 75%: Giảm giá nhiều sản phẩm thời trang như quần áo nam nữ, đồng hồ tới 50%, cộng với miễn phí vận chuyển. Như vậy, người tiêu dùng có thể tiết kiệm tới 75% nếu mua hàng online. Ngoài ra, hãng này còn giảm giá 40% với tất cả các sản phẩm trên web.
Ngay từ tối qua, nhiều con phố thời trang và trung tâm thương mại của Hà Nội đã đông nghẹt người 'săn' hàng giảm giá khủng. Phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy (Hà Nội)... từ tối 23/11 đến trưa 24/11, luôn trong tình trạng tắc nghẽn vì hàng loại cửa hàng thời trang giảm giá "khủng".
Các con phố quanh Vincom Bà Triệu đều tắc nghẽn từ chiều qua, đặc biệt là sáng nay (24/11), vì nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng ở đây sale mạng nhân dịp Black Friday. Các trung tâm thương mại lớn khác ở Hà Nội như Royal City, Time City, Lotte cũng nườm nượp người mua sắm, săn hàng dịp này.
Chị Mai Khanh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, ngày này khó mua một phần vì quá đông người. Người với người nhiều quá chen chúc, giành giật nhau nên không tìm được đồ ưng ý. Theo chị Khanh, đa số hàng giảm giá là hàng tồn kho, hết size. Còn hàng mẫu mã mới chỉ giảm khoảng 10- 20%. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các cửa hàng tự nâng giá rồi giảm giá đánh lừa người tiêu dùng. "Tôi mua 1 cái áo dạ dáng dài sau khi giảm thì giá cũng đến 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, tôi thấy oder hàng nước ngoài còn rẻ hơn tại cửa hàng Việt Nam giảm giá", chị Khanh nói.
Chị Lê Hà Thu Trang, nhân viên một salon ô tô ở Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân cho biết, sau buổi sáng đi hai trung tâm thương mại nhưng vẫn chưa mua được quần áo ưng ý cho con, bởi thực tế mức giảm 30-50% nhưng chỉ áp dụng với hàng đã 'lỗi mốt', thiếu size.
"Các mặt hàng mới, nhất là quần áo mùa lạnh chỉ giảm khoảng tối đa 10%. Trong khi nhiều cửa hàng hàng cứ quảng cáo giảm đến 60-70% gây hiểu lầm cho khách", chị Trang nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Black Friday có nguồn gốc từ Mỹ. Black Friday thường diễn ra vào thứ 6 sau ngày lễ Tạ ơn, đây là dịp người Mỹ được nghỉ ngơi, nên rất thuận lợi để mua sắm. “Khi mua hàng giảm giá Black Friday người tiêu dùng phải thực sự thông minh. Nên tìm hiểu trước giá trị món hàng mình định mua để xem hàng giảm giá có thực sự giảm hay không hay là giá đã tăng rồi mới giảm. Người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trước hàng giả, hàng nhái, không nên thấy có thương hiệu, giá tốt là lao vào mua”, TS Hiếu nói.
Theo TS, Hiếu, để săn được hàng hiệu chuẩn, giá tốt, chất lượng tốt thực sự nên tới những trung tâm thương mại, siêu thị lớn nơi chất lượng, nguồn gốc hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, kỹ càng để mua.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may Việt Nam cho biết, nắm bắt thời điểm, các doanh nghiệp bán lẻ thời trang tận dụng dịp này để giảm giá thành sản phẩm đồng loạt để tăng doanh số bán hàng dịp cuối năm cũng như tri ân khách hàng. Chính sách giảm giá ngày Black Friday tại Mỹ thực sự rất sốc. Nhiều mặt hàng có thương hiệu, chất lượng tốt giảm từ 70 thậm chí 90%. Tại Việt Nam, khoảng gần 10 năm trở lại đây cũng theo phong trào này của Mỹ. Hệ thống cửa hàng thời trang, bán lẻ, nhiều trung tâm thương mại giảm giá khủng dịp Black Friday để hút khách, xả hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt phải cẩn trọng, vì có người kinh doanh lợi dụng tâm lý khách mua hàng treo biển giảm giá nhưng thực chất là tăng giá rồi mới giảm, nên mua hàng Black Friday nhưng vẫn giá đắt cắt cổ.
Ngoài ra, hiệp hội cảnh báo, nhiều đối tượng khác lại lợi dụng tâm lý muốn mua hàng tốt, giá rẻ nhân ngày Black Friday đã nhập nhiều hàng giả, hàng nhái về trà trộn với hàng thật bán với giá siêu rẻ, nhưng thực chất là giá đắt so với giá trị thực thu lợi bất chính. Khách hàng vô tình mua phải những món hàng giả với giá đắt vẫn nghĩ mình vớ được món hời không phải hiếm ở Việt Nam.