Khó quản vì luật quá thoáng

Khó quản vì luật quá thoáng
TP - “Hậu quả của tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ, chuyển giá là do nhiều tỉnh thành phố đang buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2005 đã đơn giản hóa thủ tục rất nhiều...”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT) nhận định.

Cuộc chiến chống chuyển giá, trốn thuế
> Khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ

Ông Hoàng cho biết, việc rà soát lại các dự án FDI bỏ trốn, xù nợ như Tiền Phong phản ánh là rất cần thiết. Nhất là trong thời điểm hiện nay khi tình hình kinh tế đang hết sức khó khăn. Việc nhà đầu tư khi vào Việt Nam rồi nhưng không có khả năng triển khai dự án vì lý do khách quan hay chủ quan cũng cần phải được xem xét một cách cụ thể. Nếu vì khách quan, chúng ta sẽ có biện pháp để hỗ trợ; còn do năng lực tài chính kém, cố tình lấy dự án để mua bán chuyển nhượng kiếm lời, chúng ta nhất quyết phải xử lý nghiêm.

Quá nhiều lỗ hổng

Việc nhà đầu tư vào Việt Nam rồi bỏ trốn, xù nợ có phải là do luật pháp chúng ta còn nhiều kẽ hở, thưa ông?

Do sức ép về cải cách thủ tục hành chính nên năm 2005 chúng ta ban hành Luật Đầu tư, từ đây thủ tục đầu tư đơn giản đi rất nhiều. Trước đây, đối với một dự án, chúng ta phải thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư và tính hiệu quả của dự án. Nhưng nay chúng ta không đưa tiêu chí thẩm tra năng lực tài chính nhà đầu tư nữa, thay vào đó là tiêu chí tiến độ xây dựng dự án.

Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào tiến độ của dự án để tiến hành giám sát nhà đầu tư. Nếu dự án đã được cấp phép nhưng quá 12 tháng chưa triển khai hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện nay, đã phân cấp cho địa phương nên UBND các tỉnh thành phố phải chủ động giám sát việc này. Theo tôi, việc phân cấp đầu tư là đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng đang quá tải, không đủ người để giám sát nhà đầu tư.

Tại các doanh nghiệp FDI xù nợ, bỏ trốn, hồ sơ vay vốn tại ngân hàng cho thấy tài sản thế chấp hình thành từ chính vốn vay. Ở đây có gì bất ổn không?

Đây là về vấn đề liên quan đến khâu thực thi cũng như về chính sách luật pháp. Trước đây, theo quy định, nhà đầu tư phải có ít nhất 30% vốn tự có và vốn vay là 70%. Trong trường hợp đặc biệt, có thể thấp hơn (vốn tự có 20%, vốn vay 80%).

Tuy nhiên, từ năm 2005, pháp luật Việt Nam đã bỏ quy định này. Do đó, khi cho vay, ngân hàng phải chủ động thẩm tra năng lực tài chính cũng như tiến độ của dự án. Để nhà đầu tư xù nợ có thể là do ngân hàng quan liêu, không kiểm tra một cách sâu sát. Đồng thời, đây cũng là bài học cho thấy chúng ta đang còn quá lỏng lẻo trong quản lý tài chính.

Hiện, chúng tôi đang sửa nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư. Chúng tôi đề xuất lại quy định nhà đầu tư khi vào Việt Nam, ít nhất phải có 30% vốn tự có. Nhà đầu tư phải dùng hết vốn tự có sau đó mới được dùng đến vốn vay hoặc là vốn tự có và vốn vay phải thực hiện song song cùng với nhau.

Từ chối những dự án bẩn

Theo ông, đã đến lúc chúng ta nên biết từ chối những dự án FDI sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, thu hồi vốn chậm…?

Vấn đề này chúng ta đã đề cập và nêu lên rất nhiều lần rồi. Trong chỉ thị của Thủ tướng mới đây cũng đề cập là nên hạn chế thu hút những dự án sử dụng nhiều năng lượng, thu hồi vốn chậm, ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng cũng đã đề nghị các bộ, ngành rà soát lại các dự án FDI không cần thiết. Vừa qua, có tình trạng do phân cấp nên nhiều địa phương vì quyền lợi riêng cứ theo tiêu chí là cấp phép mà không biết dự án đó có khả thi hay không, không quan tâm xem dự án có phù hợp với quy hoạch hay không.

Nhà đầu tư Kenmark (Đài Loan) đã bỏ đi 2 năm nay (để lại món nợ khoảng 50 triệu USD vay của ngân hàng BIDV) nhưng tỉnh Hải Dương vẫn chưa biết xử lý khu nhà xưởng này ra sao, vì thiếu luật. Ảnh P.C
Nhà đầu tư Kenmark (Đài Loan) đã bỏ đi 2 năm nay (để lại món nợ khoảng 50 triệu USD vay của ngân hàng BIDV) nhưng tỉnh Hải Dương vẫn chưa biết xử lý khu nhà xưởng này ra sao, vì thiếu luật. Ảnh P.C.

Quay trở lại câu chuyện nhiều doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, Đài Loan bỏ trốn, xù nợ, để không xảy ra hiện tượng này trong tương lai, theo ông công tác hậu kiểm nên thế nào?

Không phải đến lúc này mới hậu kiểm mà trong mọi trường hợp chúng ta phải tăng cường công tác này. Luật Đầu tư năm 2005, chúng ta đã sửa theo hướng tăng cường hậu kiểm rồi. Hậu kiểm đòi hỏi đầu tiên phải từ địa phương, thứ nhì là các cơ quan chuyên ngành phải thường xuyên sâu sát, kiểm tra.

Ví dụ về vấn đề chuyển giá cơ quan thuế và hải quan phải có chế tài, phải kiểm soát. Sở dĩ có những doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ là do chúng ta buông lỏng quản lý, chế tài xử lý còn quá nhẹ.

Với những doanh nghiệp FDI tại Phú Thọ, Hải Dương... đã bỏ trốn, để lại đống nợ gần 80 triệu USD, sẽ phải xử lý ra sao?

Trước đây, luật quy định là khi nhà đầu tư bỏ trốn, quá thời hạn mà chưa thanh lý thì nhà nước đứng ra thanh lý tài sản. Tuy nhiên, hiện chúng ta đã bỏ quy định đó nên khi nhà đầu tư bỏ trốn thường rất khó thanh lý tài sản, tạo ra một khoảng trống pháp luật rất lớn.

Tới đây, nếu nhà đầu tư bỏ trốn trong thời hạn quy định mà không chủ động thanh lý tài sản, thì cơ quan nhà nước sẽ đứng ra thanh lý. Hy vọng điều này sẽ được Chính phủ thông qua để có căn cứ đảm bảo quyền lợi cho bên chủ nợ và giải phóng dự án, tránh lãng phí.

Cảm ơn ông

Lập tổ công tác chống chuyển giá

Về việc hàng ngàn doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, nhằm trốn thuế, ông Hoàng, cho biết: Để chống chuyển giá, sau khi thống nhất với các bộ ngành liên quan, Bộ KH-ĐT đã thành lập Tổ công tác về vấn đề chuyển giá. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng đang cho rà soát lại các doanh nghiệp FDI có hiện tượng báo lỗ để chuyển giá. Chúng tôi sẽ dựa trên kết quả điều tra của Bộ Tài chính, để đưa ra biện pháp tổng thể chống chuyển giá.

Ngoài ra, Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu về các hình thức, phương thức chuyển giá cũng như đề xuất các biện pháp để xử lý doanh nghiệp chuyển giá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.