Khó kiểm soát rượu quê

Sản xuất rượu tại một hộ gia đình xã Vân Hà. Ảnh: T.V
Sản xuất rượu tại một hộ gia đình xã Vân Hà. Ảnh: T.V
TP - Nhiều người lo ngại rượu nhập ngoại giả đang tràn lan thị trường đang có xu hướng trở về dùng rượu quê cho … lành. Nhưng trên thực tế, hiện rất khó kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc của các loại rượu quê.

Rượu giá rẻ không an toàn

Thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) và Yên Viên (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) là một trong những nơi nấu rượu thủ công có tiếng hiện nay. Dọc bên đường vào thôn Đại Lâm là những thùng phuy màu xanh cao ngất ngưởng trước cổng nhà các hộ dân sản xuất rượu. 

Đến nhà chị Hương, chúng tôi được chủ nhà đon đả: “Các anh mua rượu loại bao nhiêu tiền? Yên tâm nhà em chỉ nấu gạo chứ không nấu thứ gì khác”. 

Khi được hỏi mua men rượu ở đâu, chủ nhà nói: “Chúng tôi tự úp men (làm men), ở đây dùng men Bắc (men thuốc Bắc-PV) chứ không dùng men vi sinh. Mình tự đi mua thuốc Bắc về làm, chứ mua men ở ngoài không đảm bảo…”. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn xem qua loại men vừa nói thì người phụ nữ này bảo không biết chồng để đâu… Tại nhà bà Bích cùng thôn, chúng tôi thấy những đống sắn được đổ dưới đất, khá mất vệ sinh. Đây là những nguyên liệu chủ yếu để sản xuất rượu tại đây.

Đến thôn Yên Viên (xã Vân Hà), cũng được chứng kiến những cảnh phản cảm, mất vệ sinh khi sản xuất rượu. Tại nhà một hộ dân, chúng tôi thấy nơi sản xuất rượu, chum chứa rượu ngay cạnh chuồng lợn. 

Bã rượu, mùi phân lợn khiến chúng tôi phải nín thở để hỏi chuyện. Khi được hỏi về điều này, chủ nhân cười trừ: “Nghề nấu rượu chủ yếu tận dụng bã để chăn nuôi, biết là không đảm bảo môi trường nhưng do diện tích chật chội nên đành phải chấp nhận”.

Đi sâu tìm hiểu, mới hay không ít hộ dân tại hai địa phương trên hiện nay nấu rượu bằng loại men tươi không rõ nguồn gốc. Loại siêu men này có thể cho sản lượng rượu nhiều gấp rưỡi so với các loại men truyền thống khác. 

Loại men này được bán khoảng 500-700 đồng/viên, được đựng trong các túi không ghi rõ nguồn gốc hay thời hạn sử dụng. Với 1 kg gạo hoặc sắn, sau khi nấu chín có thể tán 3 viên men để rắc lên, từ sáng đến chiều đã có thể hoàn thiện khâu lên men để đưa vào chưng cất thành rượu.

Tại thôn Đại Lâm còn có những hộ sử dụng “công nghệ sản xuất rượu không cần nấu”, khi dùng cồn công nghiệp pha với hương liệu rồi đổ nước lã để chế ra rượu. Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên trước “công nghệ” này, một hộ nấu rượu tại đây rỉ tai: “Giá gạo bây giờ rẻ cũng phải mua trăm ngàn đồng một yến, nấu được khoảng 7 lít rượu. Trong khi đó rượu chỉ bán được 10.000 đồng/lít, nên làm rượu kiểu đó chỉ có lỗ”.

Khó kiểm soát chất lượng?

Nghị định 94/CP về sản xuất kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013, trong đó có điều khoản quy định cho người sản xuất rượu thủ công để kinh doanh phải đăng ký giấy phép sản xuất. Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy phép trên, nhiều hộ dân ở hai địa phương trên đều biết rất sơ sài về điều này. 

Chị H. (thôn Đại Lâm) nói: “Nhà tôi không đăng ký giấy phép, bởi bán cho dân ở đây việc gì phải đăng ký. Nếu không cho nấu nữa thì tôi chuyển sang nghề khác”. Còn bà Nguyễn Thị H. (thôn Yên Viên) cho biết: “Hiện nay, hầu như các hộ nấu rượu ở đây chưa đăng ký giấy phép kinh doanh”.

Hiện nay, cả thôn Đại Lâm và Yên Viên, các hộ nấu rượu hầu hết vẫn mang tính đơn lẻ. Tại thôn Yên Viên hiện chỉ có HTX Vân Hương là đăng ký giấy phép sản xuất. 

Ông Nguyễn Trọng Hội – Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: Tại địa phương, phần lớn các hộ đều sản xuất rượu theo quy mô nhỏ, ngày nấu, ngày không. Trong khi đó, muốn có giấy phép sản xuất, kinh doanh các hộ phải đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu cho rượu của mình.

Qua thống kê, những loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu trên cả nước chiếm tới trên 300 triệu lít/năm. Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế) cho biết: Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, dụng cụ để sản xuất rượu thủ công rất đa dạng, quy trình phức tạp, nguồn men 95% được mua ở các đại lý, chỉ có 5% tự sản xuất men. Rượu thủ công không được kiểm soát về chất lượng an toàn, không cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, không đăng ký kinh doanh. Trong nhiều năm gần đây, các vụ ngộ độc chủ yếu là do rượu sản xuất thủ công, không rõ nguồn gốc.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.