> Rượu pha bằng... thuốc sâu và phân lân bán khắp Hà Nội
> Cồn công nghiệp cũng thành rượu
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vui mừng cho hay, dẫu kinh tế khó khăn song lượng tiêu thụ bia của dân ta vẫn giữ vững mức 3 tỉ lít/năm. Dù là con số khổng lồ tới 3 tỷ lít song chưa thấy ai ngộ độc bia bởi chả thấy làng nào nấu bia thủ công hay pha chế bậy từ cồn vecni như “Rượu nếp 29 Hà Nội”.
Nhưng thử hỏi hàng chục triệu lít rượu “nút lá chuối” kia có ai kiểm soát? Chỉ biết Trung tâm chống độc BV Bạch Mai Hà Nội tuần nào cũng có ca ngộ độc rượu. Còn Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Bắc Giang Nguyễn Văn Trọng cho biết, ít nhất có 6.000 hộ đang sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh và tất đều chưa được cấp giấy phép.
Trong khi Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Việt Yên Lê Đức Hậu, nơi có rượu làng Vân nổi tiếng thừa nhận: “Việc kiểm soát rượu từ các cơ sở sản xuất thủ công ngoài làng nghề rất khó do chúng tôi chưa thể thống kê được có bao nhiêu hộ sản xuất”.
Như vậy có thể thấy, hàng chục triệu lít rượu được sản xuất thủ công mỗi năm từ các làng quê trên cả nước hầu như không được kiểm soát về chất lượng lẫn độ an toàn. Vụ rượu độc “29 Hà Nội” vừa cướp đi sinh mạng của 6 người khiến chúng ta không khỏi giật mình về những can rượu, chai rượu cả nhãn mác lẫn không nhãn mác đang lưu thông trên thị trường.
Dịp cuối tuần trước, chương trình thời sự VTV1 đã chất vấn trách nhiệm về vụ rượu độc “29 Hà Nội” đối với lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ quản lý thị trường (Bộ Công thương). Nhà đài bình luận, quả bóng trách nhiệm vẫn được “ban chuyền” giữa hai bên.
Không ít người nước ngoài khi đến Việt Nam đều có chung nhận xét, không thấy ở đâu dễ mua bán rượu như ở ta. Vẫn biết, rượu truyền thống từ các làng quê đã tồn tại từ bao đời nay, song vì tính mạng và sức khỏe của người dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp nghiêm túc và khả thi để từng bước kiểm soát được chất lượng của hàng chục triệu lít rượu thủ công loại này. Bằng không nếu vẫn tiếp tục “ban chuyền”, đây thực sự là một lỗ hổng quản lý lớn của các bộ ngành chức năng.