Nỗi sợ đã đi cùng con người từ thuở còn ăn lông ở lỗ. Để sinh tồn, tổ tiên chúng ta đã phải luôn tập trung vào những tác nhân nguy hiểm nhằm có sự chuẩn bị kĩ càng phòng ngừa các tình huống đe dọa tới tính mạng xảy ra. Thói quen này được truyền tới con người thời bây giờ - thời đại được xem là “bình yên” nhất trong lịch sử loài người, khi mà các thành tựu khoa học-kĩ thuật-y tế đạt mức tiên tiến vượt bậc; các vấn nạn phân biệt chủng tộc và giới tính dần được xóa mờ; chính trị, nhân quyền và lãnh thổ ổn định hơn các thời kì trước,... Dù vậy, bản năng tập trung vào những thứ đáng sợ của con người vẫn còn đó, chính là cơ hội cho hàng loạt các phương tiện truyền thông thế giới lợi dụng “tạo” ra những thứ tin tức thật giật gân, đáng sợ nhằm thu hút lượng lớn các lượt theo dõi. Chúng đánh vào nỗi lo âu của khán giả, biến họ thành con tin trong thứ được gọi là “sự thật”.
Loại tin tức dựa vào nỗi sợ thu hút sự quan tâm của khán giả bằng hình ảnh và thông tin càng giật gân và kinh dị càng tốt, sau đó thuyết phục người xem rằng những thông tin cần thiết về tin tức đó sẽ nằm trong bản tin ngày hôm sau. Như thế khán giả sẽ có xu hướng theo dõi tin tức đó đến cùng để cảm thấy “an toàn”. Một số đài truyền hình còn thuê các chuyên gia tư vấn nghĩ ra kịch bản về các đề tài tin tức dựa trên nỗi sợ và phỏng ra sẵn một số các góc quay hiệu quả nhất để áp dụng vào những tin tức này.
Từng có hàng triệu người Mỹ hào hứng theo dõi Jerry Springer - một talk show được coi là “chương trình truyền hình tệ nhất mọi thời đại”, “thú vui tội lỗi khét tiếng nhất” kéo dài suốt 20 năm kể từ 1991. Ở đó toàn những màn đánh đấm dã man, nói năng tục tĩu, ăn mặc hở hang của các khách mời, với chủ đề ngoại tình, loạn luân, bạo lực,… Có một khách mời đã thẳng tay giết chết người vợ cũ, sau màn “tám chuyện” cùng vợ mới trên kênh truyền hình này.
Liên tưởng tới Nightcrawler (Kẻ săn tin đêm, 2014), một bộ phim tâm lý giật gân của Mỹ (đạo diễn Dan Gilroy) lấy đề tài về mặt tối của giới truyền thông và phóng viên tin tức. Bộ phim theo chân Lou Bloom - kẻ chuyên sống về đêm, là phóng viên tự do nghiệp dư ở Los Angeles chuyên đi săn những tin tức về các vụ tai nạn và giết người đẫm máu để bán cho các kênh truyền hình thực tế. Với Lou, hình ảnh càng máu me càng đem lại nhiều tiền tài và sự nổi tiếng. Không chỉ dừng lại ở việc săn tin, Lou còn sẵn sàng thay đổi hiện trường vụ án, gài bẫy người khác và phá vỡ nguyên tắc đạo đức của một phóng viên chỉ để có được một khung hình đẹp và những tin tức nóng hổi như thể hắn coi mình là một đạo diễn phim còn cơ thể của người khác chỉ đơn thuần là đạo cụ.
Lou Bloom di chuyển xác nạn nhân để tạo hiện trường giả nhằm bắt trọn được góc quay đẹp. Nguồn: Open Road Films |
Bộ phim trả lời cho câu hỏi: ‘Liệu các người hùng phóng viên và nhà báo lột trần sự thật vì lợi ích của người xem, hay họ là những kẻ thao túng các sự thật mơ hồ vì lợi ích cá nhân?’. Thay vì đi theo ý đầu của câu hỏi trên giống như một số bộ phim cùng đề tài khác, Nightcrawler lại chỉ điểm gọi tên các vấn đề ngày càng nhức nhối như tin giả và thao túng dư luận của các kênh truyền thông. “…Để nắm bắt được tinh thần của thứ tin tức ta phát sóng, anh phải liên tưởng đài truyền hình của ta với hình ảnh một người phụ nữ vừa chạy vừa la hét trên đường với cái cổ bị cắt”, đó là yêu cầu của Nina Romina, nữ giám đốc kênh truyền thông không chỉ đặt mua những đoạn quay máu me của Lou, mà còn trắng trợn tiếp tay việc làm dối trá của anh ta.
Trong 15 minutes (15 phút), bộ phim kinh dị hành động, hai tên tội phạm từ Đông Âu vào Mỹ với kế hoạch thực hiện những cảnh giết người man rợ, quay phim rồi bán cho báo chí truyền thông, có tiền lại được “nổi tiếng”! Đỉnh điểm là đoạn băng quay cảnh chúng giết viên thanh tra hình sự lừng danh New York là Eddie Flemming (Robert De Niro thủ vai) để bán cho một kênh truyền hình thực tế với giá 1 triệu đô la. Có tiền, chúng thuê luật sư bào chữa thành công với lý do bị “tâm thần”… Đoạn băng tội ác được phát trên kênh truyền hình nọ thu hút đông đảo người xem. Kẻ ác cuối cùng phải đền tội, nhưng vẫn cho thấy giới hạn đạo đức buộc phải có của báo chí truyền thông cũng thật mong manh.
Như đã nói ở trên, chữ F.E.A.R còn mang nghĩa là “bằng chứng giả trông giống như thật”, hay hiểu cách khác là thao túng sự thật và định hướng dư luận. Trong phim, Lou đã tận dụng phương pháp đưa tin này bằng cách dịch chuyển xác của nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông để có được góc quay đẹp, cắt phanh xe của đồng nghiệp để gây ra một vụ tai nạn thảm khốc, và cùng nhiều việc làm tệ hại khác để đạt được mục đích săn “tin nóng”.
Tin tức dựa trên nỗi sợ đã trở thành nền tảng của truyền thông đại chúng, và hậu quả của xu hướng này là con người ta sẽ cảm thấy bất an về tình hình xã hội, tin rằng tỉ lệ tội phạm ngày càng tăng cao và sống trong nỗi sợ rằng mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Tuy nhiên thực tế lại không u ám tới vậy, chỉ là ta đang bị hướng sự chú ý vào những tin tức tiêu cực thay vì tích cực, vì chỉ có vậy thì các kênh truyền thông mới thu được nhiều lợi nhuận mà thôi.
Tin giả không chỉ dừng lại ở việc sử dụng bằng chứng giả mà còn ở việc cắt xén sự thật, tận dụng thiên kiến xác nhận để cắt bỏ nguyên văn những câu nói ra khỏi bối cảnh. Đây là điều rất dễ thấy ở cả các trang báo chính thống lẫn lá cải nhằm mục đích định hướng những người đọc thiếu khả năng tư duy phản biện để đem lại lợi ích cho cá nhân hay tổ chức nào đó. Trong xã hội này, không ai là không có thiên kiến về một thứ gì đó, cho dù đó là về khía cạnh chủng tộc, tôn giáo hay chính trị. Vì thế, họ sẽ trở thành người xem trung thành của một trang báo hay kênh tin tức nào đó nếu những kênh thông tin đó ngả theo hướng định kiến mong muốn của họ.
Ẩu đả giữa các khách mời trong chương trình truyền hình Jerry Springer. Ảnh: Todd Buchanan/Getty Images |
Thật đáng sợ khi vẫn còn vô số những kênh truyền thông đang ngày ngày làm giàu trên nỗi sợ hãi của đồng loại. Cùng với đó là sự độc hại của việc thiên kiến hay cắt xén sự thật trong tin tức và báo chí. Bởi con người nếu chỉ nghe theo những điều họ muốn nghe thì sẽ không bao giờ tiếp cận được với sự thật. Một nửa lời nói dối vẫn là lời nói dối, còn một nửa sự thật thì sẽ không bao giờ là sự thật.