Khi trẻ không dung nạp đường tiêu hóa

Khi trẻ không dung nạp đường tiêu hóa
TP - Nghiên cứu về hiện tượng bất dung nạp đường tiêu hóa ở trẻ em Việt Nam trong năm 2012 cho thấy, có 56% trường hợp trào ngược ở trẻ sơ sinh, 47% số trẻ bị táo bón, 65% trẻ tiêu chảy và 34% trẻ nôn trớ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và xử lý vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn đối với phụ huynh và các bác sĩ nhi khoa.

> Xua tan nỗi lo viêm đường hô hấp, biếng ăn cho con
> Ngăn chặn tái phát viêm đường hô hấp cho trẻ

Tiêu chảy vì dị ứng sữa

Sau hai ngày bú sữa mẹ bị nôn trớ và tiêu chảy liên tục, chị Nguyễn Thị Hải Anh, ở Vũng Tàu cứ nghĩ do bị mắc bệnh tiêu chảy mà không hay biết trẻ đang dị ứng chính sữa của mình. Đưa con vào khám ở Khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 1 TPHCM, chị Anh được các bác sĩ cho biết con mình bị chứng bất dung nạp đường tiêu hóa, do cơ thể trẻ thiếu men lactase để tiêu hóa đường lactose có trong sữa mẹ và sữa công thức.

 Bất dung nạp đường tiêu hóa diễn ra ở nhóm trẻ sơ sinh khá phổ biến, do hệ tiêu hóa non nớt của trẻ đang tập thích nghi và tăng cường chức năng hấp thu, miễn dịch.

Bác sĩ Ngọc Hà,
Đại học Y Dược TPHCM

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc- trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, những trường hợp bất dung nạp đường tiêu hóa ở trẻ dưới 3 tuổi xảy ra khá phổ biến ở khoa này. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh dễ nhầm lẫn căn bệnh này với bệnh liên quan đến tiêu hóa hay ngoài da.

“Đây là tình trạng cơ thể không có khả năng tiêu hóa lactose- đường sữa có trong các sản phẩm từ sữa, vì thiếu một loại enzyme trong ruột non. Khi đường sữa chưa được tiêu hóa xuống đến ruột già, thành phần này tương tác với vi khuẩn ruột và gây ra các triệu chứng trên”- bác sĩ Phúc nói.

Tại các khoa tiêu hóa nhi, hiện tượng trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi mắc hội chứng bất dung nạp đường tiêu hóa khá nhiều. Thống kê ở Khoa Sơ sinh của BV Từ Dũ trong tổng số 10 trẻ có 1-2 trẻ mắc hội chứng này. Một số trẻ thậm chí không dung nạp ngay cả sữa mẹ của mình.

Các bác sĩ cho biết, một khi trẻ không dung nạp hoàn toàn với những khẩu phần sữa, thực phẩm mà chúng được cung cấp dẫn đến hiện tượng bất dung nạp đường tiêu hóa. Khi gặp phải bất dung nạp đường tiêu hóa, trẻ có những triệu chứng như quấy khóc, đầy hơi, táo bón, chứng trào ngược, đau quặn bụng, tiêu chảy và dị ứng đạm sữa bò.

Phát hiện muộn vì không rõ nguyên nhân

“Bất dung nạp đường tiêu hóa diễn ra ở nhóm trẻ sơ sinh khá phổ biến, do hệ tiêu hóa non nớt của trẻ đang tập thích nghi và tăng cường chức năng hấp thu, miễn dịch. Nếu không được chẩn đoán và chữa trị đúng cách, quá trình phát triển về trí não và thể chất của trẻ sẽ bị ảnh hưởng theo, về lâu dài dẫn đến việc trẻ chậm phát triển và suy dinh dưỡng”- bác sĩ Ngọc Hà, Khoa Nhi BV Đại học Y Dược TPHCM cảnh báo.

TS-BS Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, khi trẻ bị biểu hiện bất dung nạp tiêu hóa nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Phụ huynh không được mặc định cho rằng, trẻ bị mắc các bệnh tiêu hóa mà tự ý dùng thuốc, điều trị. Ngoài ra, nên ngưng cho trẻ uống các sản phẩm liên quan đến sữa…

Theo nghiên cứu từ Hội Nhi khoa Việt Nam, rất nhiều phụ huynh có con bị bất dung nạp tiêu hóa đều phát hiện bệnh muộn, do ít người biết rõ nguyên nhân tại sao con mình bị trào ngược, táo bón, tiêu chảy hay nôn trớ. Nhiều người trong số đó cho rằng con mình mắc bệnh tiêu hóa, dị ứng ngoài da hay hô hấp mà không biết rằng cơ thể trẻ không dung nạp được đường lactose.

Trong khi đó, theo bác sĩ Ngọc Hà, việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ bất dung nạp tiêu hóa, không phải dễ dàng. Bác sĩ Hà cho biết, để phát hiện được bệnh bất dung nạp tiêu hóa này, bác sĩ phải dựa vào lưu đồ GPS để có thể chẩn đoán chính xác và xử lý hiệu quả các triệu chứng bất dung nạp tiêu hóa liên quan đến dạ dày – đường ruột ở trẻ em.

Theo bác sĩ Hà, thông qua hồ sơ bệnh nhân chi tiết, các bác sĩ sẽ khuyến nghị phụ huynh áp dụng những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng theo chỉ định giúp trẻ phát triển tốt hơn. Ngoài ra, lưu đồ này còn có thể hỗ trợ bố mẹ trẻ hiểu được các vấn đề gặp phải khi cho trẻ bú.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG