Người chọn giải pháp cho con học thêm, nhờ người thân trông hộ, cho lên cơ quan bố mẹ, nhưng cũng không ít phụ huynh chọn giải pháp “nhốt” con tại gia và những tai nạn thương tâm cũng từ đây mà ra.
Tai họa vì nhốt con trong nhà
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lưu và chị Đoàn Thị Liên, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đi làm cách nhà 15 cây số. Trước đây, 2 đứa con nhỏ của anh chị có bà nội trông giúp nên anh chị yên tâm đi sớm, về muộn. Nhưng hơn năm nay, bà nội phải vào Nam chăm cháu ngoại nên anh, chị nhiều lúc lao đao vì hai đứa con nhỏ. “Nhất là vào ngày nghỉ hè. Con nghỉ học không biết gửi cho ai. Tôi đành phải huấn luyện thằng anh ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm”, chị Liên kể.
Con trai cả của chị Liên năm nay mới 10 tuổi, con trai thứ hai 3 tuổi. Hằng ngày, trước khi đi làm, chị nấu sẵn cơm, thức ăn để ở bàn, hướng dẫn con trai cả ở nhà lấy cơm đút cho em ăn. Đặc biệt, anh chị cũng ra “lệnh cấm tuyệt đối” hai con không được ra ngoài chơi vì ở quê lắm ao hồ sợ đuối nước. Thế nhưng, ở nhà hai anh em vẫn trốn ra đồng chơi. Biết chuyện chị Liên đánh hai con một trận rất đau. Không yên tâm, anh, chị chọn giải pháp khóa cổng nhốt con trong nhà.
Bị nhốt trong bốn bức tường, hai anh em lôi tất cả vật dụng trong nhà ra chơi. Nhặt được cái phích cắm điện cũ, cậu em hí hửng cắm vào ổ điện để… chơi. Bỗng: “Á…”, cậu em bị ngã té đập đầu vào chân giường chảy máu vì bị điện giật té. “May mà cháu chỉ phải khâu 5 mũi, không bị ảnh hưởng đến tính mạng. Vợ chồng tôi khiếp quá, nên khi đi làm là ngắt điện”. Buổi trưa hai vợ chồng thay phiên nhau về cho con ăn.
“Thương con lắm. Những hôm trời nắng 39, 40 độ C, về nhà thấy hai anh em đang ngồi trong góc nhà mồ hôi ướt đầm cả người mà lòng đau hơn cắt. Thương con nhưng vì mưu sinh, tôi chưa biết phải làm gì để cho con được vui chơi đúng tuổi”, chị Liên nói trong nước mắt.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hữu Hán và chị Hồ Hoài Thương TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) cũng phải nhốt hai đứa con nhỏ trong nhà dịp nghỉ hè. Mặc dù hai con còn nhỏ tuổi ở nhà trông nhau nhưng anh chị cũng khá yên tâm vì cậu cả (10 tuổi) rất biết chiều em, còn cô con gái 4 tuổi được đánh giá khôn hơn tuổi. Anh chị đi làm cách nhà 5 cây số nên trong ngày vẫn tranh thủ chạy đi, chạy về với con.
Hai tuần đầu êm ả trôi qua sang tuần thứ 3, tai họa ập đến. Hôm đó, cô em chui vào tủ chơi trốn tìm như thường lệ, cậu anh ở bên ngoài đẩy vào cánh tủ. Do tủ quần áo đã cũ, bị mối mọt nhiều nên đổ sập xuống, người anh chỉ bị xây xước tay chân còn cô em không may bị tủ đè, thiệt mạng. Khi nhận được điện thoại của hàng xóm, chị Thương đau đớn ngất lịm.
Bị điện giật khi đi bơi
Những ngày đầu tháng 5/2016, dân làng thôn Hạc Đình (xã Yên Lập, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vô cùng đau xót khi cùng lúc đón hai thi thể của em Lê Văn Ng. và Nguyễn Duy Kh. (11 tuổi, học sinh lớp 5) cùng bị đuối nước khi tắm trên kênh 6A tại thôn.
Sau khi tan học, Ng. và Kh. cùng nhiều em nhỏ khác rủ nhau ra kênh bơi. Sau khi lấy thân cây chuối làm phao, cả 2 cùng đẩy cây chuối về phía chiếc máy bơm đang chạy hút nước. Trên bờ, nhiều thanh niên, người lớn vẫn ngồi hóng mát và trông lũ trẻ bơi dưới kênh. Bỗng nhiên, họ không thấy hai đứa trẻ đâu, các thanh niên vội vàng lao xuống tìm cứu nhưng bị điện giật tê cứng. Lúc này, mọi người vội vàng hô hào chủ nhà rút điện máy bơm ra. Sau một hồi ngụp lặn, họ tìm thấy thi thể 2 đứa trẻ.
Chị Bùi Thị Phương (mẹ cháu Nguyễn Duy Kh.) nghẹn ngào: “khi vừa đi làm về, nghe bà con hàng xóm báo cháu bị điện giật, tôi vội vàng vứt đồ đạc chạy ra. Đến nơi, tôi chết lặng người khi nhìn đứa con đã tắt thở nằm trên bờ cỏ. Tôi ngất lịm không còn biết gì nữa”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích diễn ra khá phổ biến. Chính vì thế, Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 lấy chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Theo vị lãnh đạo này, tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Mỗi ngày trên thế giới, hàng nghìn gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có gần 20 gia đình chịu sự mất mát, do tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em. Tai nạn thương tích còn gây nên khuyết tật có thể kéo dài suốt cuộc đời của trẻ.
(Còn nữa)
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong tháng 6/2016 - Tháng hành động vì trẻ em, tập trung vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để xây dựng các công trình như bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Vận động xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn. Cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ; thăm, tặng quà (mũ bảo hiểm, áo phao, phao bơi...), trao học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích. Hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích...