PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết: Các biến chứng hay gặp là tắc mạch sau tiêm filler (chất làm đầy) khiến bệnh nhân bị sưng môi, gây hoại tử vùng mũi, tổn thương vùng mũi - mắt, đau nhức, mưng mủ và phải đến bệnh viện để can thiệp. Một số người đi cắt bao quy đầu ở phòng khám tư bị tai biến cũng tìm đến bệnh viện để khắc phục lại hậu quả...
Ngày 23/10, Bệnh viện Da liễu T.Ư tiếp nhận bé gái 13 tuổi ở Yên Bái, bị biến chứng nặng vì tiêm filler để nâng mũi. Người nhà bệnh nhi cho biết, cháu bé nghe theo lời giới thiệu của bạn bè nên đến spa quen biết để tiêm filler nâng mũi với giá 2 triệu đồng.
Bị tiêm đúng mạch máu, khoảng 30 phút sau tiêm, nạn nhân có triệu chứng đau mắt bên phải, thị lực giảm dần, đau đầu nhiều và buồn nôn. Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, bệnh nhân được chẩn đoán mất hoàn toàn thị lực mắt bên phải, hoại tử da nghiêm trọng vùng trán và hốc mũi và được chuyển đến Bệnh viện Da liễu T.Ư tiếp tục điều trị.
“Nếu so với việc phẫu thuật làm đẹp từ đầu, việc sửa chữa lỗi do thẩm mỹ phức tạp gấp nhiều lần. Bệnh nhân không chỉ tốn kém tiền bạc, suy giảm sức khỏe mà việc giải quyết hậu quả biến chứng do hút mỡ bụng, nâng ngực, nâng mũi, độn cằm, trẻ hoá da... đôi khi cũng không thể giúp bệnh nhân trở lại hình dáng như ban đầu”- PGS.TS Nguyễn Văn Thường cảnh báo.
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho biết, nam bệnh nhân H.A là một trong những trường hợp bị biến chứng sau khi cấy tóc ở cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Toàn bộ vùng tóc được cấy bị phản ứng với dị vật là nang tóc nhân tạo, tạo thành ổ mủ áp xe quanh chân tóc. Thậm chí, các ổ mủ sau khi được điều trị cũng sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.
Hiện nay các thẩm mỹ viện đang làm thay công việc của bác sĩ. Đó là thực trạng đáng báo động. Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở làm đẹp, spa tìm cách lách luật, với các tên gọi mập mờ khiến nhiều khách hàng lầm tưởng. Không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng các thẩm mỹ viện, spa vẫn quảng cáo, thực hiện rầm rộ các dịch vụ hút mỡ, nâng ngực, nâng mũi, cắt mí... để lại nhiều hậu họa cho khách hàng.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp và các bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, thẩm mỹ viện hay spa làm đẹp chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Cấy tóc, xăm mắt, xăm lông mày, cắt mí... Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. Do vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh “tiền mất tật mang”.
Hiện nay các thẩm mỹ viện đang làm thay công việc của bác sĩ. Đó là thực trạng đáng báo động. Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở làm đẹp, spa tìm cách lách luật, với các tên gọi mập mờ khiến nhiều khách hàng lầm tưởng.