Tuổi thơ bị đánh cắp - Kỳ cuối:

Khi người lớn “cướp” sân chơi con trẻ

Trẻ em ở khu chung cư bán đảo Linh Đàm ra mấy cột sắt để chơi. ảnh: Hồng Vĩnh
Trẻ em ở khu chung cư bán đảo Linh Đàm ra mấy cột sắt để chơi. ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trong Diễn đàn tiếng nói trẻ em với các mục tiêu vì trẻ em do Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tổ chức, một bé phát biểu: “Thưa các cô các chú, sân tennis của người lớn nhiều hơn sân chơi của chúng cháu…”. Cả hội trường lặng đi... Ở Hà Nội, sân tennis, bãi đỗ ôtô, quán bia, quán nhậu... đang “cướp” dần sân chơi của trẻ con.Tôi đi tìm không gian chơi cho trẻ ở Hà Nội và thảng thốt vì người lớn hình như quá ích kỷ.

Những không gian bị bóp nghẹt

Sân chơi của khu nhà G ở tập thể Thành Công quận Đống Đa- Hà Nội từ lâu đã bị lấn chiếm xây nhà trái phép, phần còn lại trở thành bãi trông xe. Mấy đứa trẻ len lỏi giữa bãi xe, bếp than tổ ong và quán trà đá chơi trốn tìm. Dạo qua những khu chung cư ở Thái Thịnh, Giảng Võ, Trung Liệt lại thấy những không gian chơi cho trẻ em vốn đã nhỏ bé nhưng đang bị “bóp nghẹt”. 

Vài ba cầu trượt sứt mẻ, thú nhún bất động. Ngay cả tấm biển “Cấm vi phạm” cũng bị đạp đổ, vẽ bậy. Dưới tấm biển, quán bia cỏ đang ồn như chợ vỡ. Tôi và những đứa trẻ đang chơi trong khói quạt bún chả và những tiếng: “Zô zô, 100%”. Một đứa trẻ đang chơi chẳng may va vào người đàn ông ở trần làm cốc bia trên tay đổ ra. “Bốp”- cái tát của người đàn ông in hằn 5 ngón tay trên má đứa trẻ “Cút đi, chỗ chơi của mày đây à”. Nhưng đó chính là chỗ chơi của trẻ đã bị cướp theo kiểu “trẻ con không được ăn thịt chó”. 

Khi người lớn “cướp” sân chơi con trẻ ảnh 1 Trẻ em phải đá bóng trên vỉa hè lòng đường.  ảnh: Hồng Vĩnh

Ở phường Ngọc Khánh, khoảnh sân có gắn biển hiệu “Sân vui chơi trẻ em” nhưng đã biến thành “chợ cóc”. Phường Giảng Võ có chín sân chơi trẻ em do chính quyền và nhân dân quản lý. Nhưng ông Vũ Hồng Thanh- Phó Chủ tịch UBND phường lắc đầu: “do ý thức của người dân kém, chúng tôi có lực lượng thường xuyên ra quân, chống lấn chiếm nhưng khi không có mặt chúng tôi, người dân lại tràn ra bán hàng quán…”.

Khu 7,2 ha phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chính quyền nơi đây đã cố gắng hoàn chỉnh 5 sân chơi đủ đu quay, cầu trượt, cầu bập bênh cho các cháu. Mới được khoảng một năm nhưng hiện chỉ còn 3 sân hoạt động, còn 2 sân trước nhà H1 cầu trượt hoen gỉ, vỡ nhiều chỗ, đã gây tai nạn cho các cháu trong khi chơi.

Con phố Phan Văn Trường ở quận Cầu Giấy rộng là thế nhưng bị biến thành chợ đông nghẹt suốt ngày. Ở phố có những đứa trẻ ra đây thả diều lúc 0h. Lúc ấy, phố mới vắng. Nhưng có em đã bị xe máy đâm gãy chân vì mải thả diều. 0 giờ trẻ em vẫn không có chỗ chơi. 

Trên đoạn đường chừng một cây số dọc đường Tân Nhuệ nằm bên dòng sông Nhuệ (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm), có hai sân chơi rộng chừng 300 mét vuông. Chiều chiều những người lên tuổi ông tuổi bà chăng lưới đánh bóng chuyền. Nhiều đứa trẻ mầm non, tiểu học được ông bà mang theo ngồi lẻ loi ở những góc sân làm những khán giả bất đắc dĩ. 

Khi người lớn “cướp” sân chơi con trẻ ảnh 2 Sân chơi của khu tập thể Văn Chương bị lấn chiếm bởi hàng quán. Chỉ có một đu quay cho các em chơi.  ảnh: Hồng Vĩnh

Chúng tôi chạnh lòng nhìn thấy nhiều đứa trẻ đang cười hùa theo người lớn một cách khiên cưỡng khi nghe các ông bà thúc giục một phụ nữ dáng người to khỏe tên Khuỳnh phát những quả bóng mà nhiều ông tuổi trên sáu mươi không đỡ nổi. Chiều đó hai sân chơi này là của các ông các bà, không là của trẻ con.

Làng Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) nằm một bên là sông Đuống, một bên là sông Hồng. Trong vòng 10 năm người ta tận thấy cái Doi đất này phát triển đến chóng mặt. Từ 197 hộ gia đình nay làng có trên 1.000 hộ mà phần lớn gia đình trẻ có con cái đang độ tuổi cần sân chơi. Nhà văn Y Ban, một công dân lâu năm của làng cho biết thú chơi vui nhất của trẻ em nơi đây là chiều chiều mặc áo phao nô nhau ra sông tắm. Có một dạo do có nhiều vụ đuối nước xảy ra nên địa phương cấm tiệt. 

Giờ đây lệnh cấm dỡ bỏ, chiều đến nơi Doi đất này lại nườm nượp từng đoàn mặc áo phao được người lớn dẫn ra bờ sông Đuống, sông Hồng nghịch nước. Các thú chơi khác chúng tôi quan sát gần như không có gì ngoài những đứa trẻ đạp xe đạp len lỏi trên những con đường bê tông hóa. Ở Doi đất này có ba sân đình nhưng cũng là sân chơi của người lớn đánh cầu lông. Một vài đứa trẻ theo ông bà ra sân dõi theo những trò chơi của người lớn không một chút hứng khởi.

Khi người lớn “cướp” sân chơi con trẻ ảnh 3 Trẻ em ở khu chung cư bán đảo Linh Đàm ra mấy cột sắt để chơi. ảnh: Hồng Vĩnh

Không gian của trẻ em phố cổ càng bị bóp nghẹt lại. Ở nơi mật độ dân số vào loại cao nhất thế giới, một tấc đất cũng phải “đẻ” ra tiền thì nơi chơi của trẻ là thứ xa xỉ. 

Dạt qua Định Công thấy Công viên tuổi thơ bé nhỏ so với hình dung của tôi về tầm cỡ khu vui chơi của một khu đô thị mới. Những đồ chơi cũ kỹ, nghèo nàn và có rất ít trẻ con chơi. Lại bắt gặp những hình ảnh thân thuộc trẻ đá bóng giữa đường, đám trẻ líu ríu đạp xe dạo phố. Chị Đoan Trang, sống ở khu đô thị mới này cho biết sinh được hai nhóc. Cậu lớn học lớp sáu rất thích bơi, nhưng vé vào cửa mỗi lần bơi một trăm ngàn nếu ngày nào cũng đi bơi thì không tải nổi. Thú vui còn lại của cậu bé là quanh quẩn trong nhà đọc truyện, xem tivi và chơi game. 

Tạt qua con phố nhỏ Yên Lạc (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) thấy mấy đám trẻ con đá bóng trên đường. Tiếng hò reo chạy theo trái bóng thi thoảng xen lẫn tiếng còi xe, róng riết rợn người. Chị Thái Hằng, sếp phó của một đơn vị thuộc Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội, nhà nằm cuối con phố này đã cố gắng tạo một sân chơi riêng cho cô con gái nhỏ. Chị dành chừng nửa tiếng đánh cờ vua với con trước khi lo bữa cơm tối. Những hôm mát trời chị thủ thỉ rủ con vào bếp cùng mẹ nấu cơm. Dạy con nấu ăn, biết làm việc nhà song chị gắng tạo cho con một không khí thoải mái nhất kiểu học mà chơi.

Mùa hè, sân chơi nào dành cho trẻ? 

Sân chơi nào dành cho trẻ mùa hè? Chị Thái Hằng cho rằng, dịp hè những gia đình ở thành phố nên gửi con em về nhà thân tộc của mình ở nông thôn một, hai tuần lễ để các cháu hòa mình vào thế giới thiên nhiên, mà ở đó các em có nhiều điều chưa biết. 

Thực tế cuộc sống, vẫn còn nhiều gia đình không có đầy đủ điều kiện giáo dục, nuôi dưỡng con em mình, vì còn phải tập trung lo cho miếng cơm, manh áo hàng ngày, nên vai trò của đoàn thanh niên, đoàn thể, nhà trường là rất quan trọng. Mỗi khu dân cư cần có ngôi nhà chung dành cho trẻ em mà nơi đó có bữa ăn bán trú, có bảo mẫu, có khu vui chơi do nhà nước lập ra hoặc theo mô hình xã hội hóa, để mùa hè không còn cảnh những đứa trẻ bị nhốt bơ vơ trong ngôi nhà của mình. 

Công dân làng Bắc Cầu - Y Ban thì cho rằng, chúng ta đang có một sự lãng phí vô cùng. “Ở nơi khang trang nhất, có lá cờ Tổ quốc treo cao, sân rộng với những hàng cây rợp bóng - đó là trường học, nhưng chỉ sử dụng công năng tám tiếng đồng hồ rồi đóng cửa im ỉm. Có nơi đóng cửa suốt cả mùa hè, nhất là ở những vùng quê. Vậy tại sao chúng ta không mở cửa làm sân chơi mùa hè cho các em nhỏ?”. 

Nói đến đây một người mẹ có cậu con trai đang học phổ thông những ngày nghỉ hè đang phải “nhốt” ở nhà tỏ ra bức xúc: “Mùa hè nào tôi cũng thấy một số nơi căng khẩu hiệu từ cột điện bên này sang cột điện bên kia: Hãy dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tôi nghĩ đó chỉ mới là khẩu hiệu. Có một thực tế một số chương trình hành động dành cho trẻ em hiện nay xây dựng lên bằng đôi mắt của người lớn. Cho nên tôi cực thích hai câu thơ của một nhà thơ nước ngoài này: Hãy nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ/ Hãy hỏi trẻ con về cái ngon của kẹo”. 

Hà Nội hiện có khoảng 2.100 điểm vui chơi dành cho trẻ em, tuy nhiên chỉ có hơn 30% trong số đó có trang thiết bị sơ sài và đều xuống cấp. Cả nước hiện mới có hơn 38% xã, phường có khu vui chơi, giải trí cho trẻ em và gần như tất cả chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Mục tiêu của Chương trình hành động cho giai đoạn 10 năm tới là đến năm 2020 sẽ có 45% xã, phường có sân chơi cho trẻ em, nhưng rất có thể sẽ khó thực hiện được vì nhiều địa phương lúc quy hoạch đã “quên” quỹ đất dành cho trẻ em.

MỚI - NÓNG