Chính phủ và Bộ Thông tin- Truyền thông đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản. Đáng chú ý, Dự thảo quy định phạt tiền từ 2 đến 6 triệu đồng nếu đăng phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn (Công ty Luật hợp danh Thiên Quang, Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Quy định xử phạt như trên xuất phát từ những quy định pháp luật nào, thưa ông?
Quy định trên đây trước hết xuất phát từ Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 của Nhà nước ta. Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều điều quy định về quyền nhân thân, trong đó có Điều 32 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Với các trường hợp báo chí đăng ảnh hội nghị, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, hiện trường cháy nổ, tai nạn… mà xuất hiện hình ảnh một số cá nhân thì nhà báo, phóng viên có phải xin ý kiến của họ không?
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Theo đó, những trường hợp bạn hỏi thì nhà báo không cần phải xin ý kiến của những người lọt vào khung hình.
Khi cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra công bố sai phạm của cá nhân (nhưng cá nhân đó chưa bị truy tố, xét xử) thì báo chí có quyền đăng ảnh của cá nhân sai phạm mà không cần xin phép họ?
Theo quan điểm của tôi thì báo chí không có quyền đăng ảnh của họ, nếu họ không đồng ý. Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Theo đó, những cá nhân được nêu tên trong kết luận thanh tra, kết luận điều tra chưa bị coi là có tội, và đương nhiên họ vẫn có đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền về hình ảnh.
Vậy khi báo chí đăng tải hình ảnh của bị cáo trước phiên tòa, báo chí có vi phạm quyền về hình ảnh của bị cáo đó không, thưa ông?
Báo chí đăng ảnh về hoạt động xét xử một vụ án hình sự có thể xem là “hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia”, bởi bên buộc tội bị cáo trong phiên tòa hình sự (Viện kiểm sát) nhân danh lợi ích của Nhà nước. Trong trường hợp này, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 đã trích dẫn trên đây, việc báo chí sử dụng hình ảnh phiên tòa nói chung, hình ảnh bị cáo trước tòa nói riêng, không cần phải có sự đồng ý của bị cáo. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với phiên tòa hình sự, và việc chụp ảnh tại phiên tòa phải tuân thủ quy định của ngành Tòa án.
Ông có lời khuyên nào giúp các nhà báo, phóng viên tránh vi phạm quyền hình ảnh, quyền nhân thân của người khác?
Hãy tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, trước hết là Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, tiếp đến là Luật Báo chí và các bộ luật khác có liên quan. Theo tôi, các trường đào tạo, bồi dưỡng báo chí cần trang bị cho sinh viên, học viên các kiến thức pháp luật cần thiết, để họ có được những hành trang cần thiết giúp họ bước đi an toàn trên con đường làm báo.
Cám ơn ông.
Nhà báo Lâm Vinh, báo An ninh thủ đô cho rằng: Dự thảo nên quy định rõ hơn các trường hợp xử phạt để đảm bảo các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc đồng thời tránh việc kẻ xấu lợi dụng nhằm không hợp tác hoặc khiếu nại, khiếu kiện vô căn cứ với báo chí.
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015
“Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.