Ngân kết bài: “Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!/ Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?/ Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?/ Xin được đổi kiếp này! Trời đất có cho tôi???”.
Tôi những muốn nói rằng em không phải xin đổi gì đâu, vì tất cả chúng ta đều đang được thưởng thức những gì chính mình tạo ra. Khi không ngừng hít khí thải độc hại, ngày ngày chịu hiệu ứng nhà kính, ăn thực phẩm bẩn hay không dám tắm biển… Số người chết đau đớn vì ung thư ngày càng tăng.
Theo miêu tả của báo mạng thì bài thơ đã khiến “cư dân mạng choáng”, “dân mạng lặng người”, “mạng xã hội xôn xao”… Tựu trung, dân tình bất ngờ trước bài thơ. Sự bất ngờ hẳn mang tính đồng cảm và tự an ủi. Vì cuối cùng có một đứa trẻ đã nói hộ tâm tư của đám người lớn. Và chúng ta cũng dấy lên hy vọng rằng thế hệ con cháu sẽ sống khác, sẽ khôi phục môi sinh đã bị chính chúng ta tàn phá tan hoang.
“Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Để tìm đường sơ tán tới hành tinh khác, những nhà thiên văn lão luyện nhất cũng mù tịt. Trong khi tình hình nguy cấp của môi trường Trái Đất, trẻ con đã thông tỏ. Vì những điều đáng sợ đang diễn biến từng ngày và tác động trực tiếp đến từng người, không loại trừ già trẻ.
Và những đứa trẻ có quyền phán hỏi tại sao chúng phải hứng chịu mọi thứ do cha chú gây ra, sẽ ra sao nếu môi trường không thể cứu vãn? Và có đau đớn không, khi chúng bày tỏ nguyện vọng không muốn tiếp tục làm người- giống như mô hình những người lớn mà nó thấy xung quanh. Rồi thì Mẹ Trái Đất để cứu lấy mình cũng muốn đổi lấy những đứa con khác thông minh và “có hiếu” hơn chúng ta. Thì sao?