Tròn 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Đáng buồn là, thực tế đã chỉ ra có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó không ít người đang giữ các trọng trách trong bộ máy nhà nước suy thoái biến chất, sa sút về phẩm chất đạo đức, xa rời quần chúng nhân dân.
Vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu người dân của một số cán bộ, đảng viên luôn là chủ đề nóng trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Vấn nạn này tuy chưa được đẩy lùi song phải thừa nhận, chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước thực hiện quyết liệt như hiện nay. Đã có không ít cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, kể cả những người từng giữ chức vụ rất cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí nhận án tù.
Không chỉ trừng trị những “con cá mập”, tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây bất bình cho người dân mỗi khi phải thực hiện thủ tục hành chính cũng được quan tâm giải quyết bằng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, trong đó có giải pháp công nghệ với mô hình chính phủ điện tử hay chính quyền số mà TPHCM đang quyết tâm thực hiện.
Công nghệ hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, ngăn chặn tình trạng “qua sông, lụy đò”, góp phần ngăn chặn tiêu cực. Và, quyền lực của người dân cũng được thực thi một cách triệt để bằng việc “chấm điểm cán bộ” chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Một khi cán bộ biết lo, biết sợ nếu người dân không hài lòng, chúng ta có quyền hy vọng vào một nền hành chính công ngày càng tiên tiến, hiện đại và một đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, tận tâm phục vụ nhân dân.