Khảo sát PAPI: Lo ngại 'lót tay, bổ nhiệm người thân'

Lễ công bố chỉ số PAPI sáng nay, 4/4 tại Hà Nội
Lễ công bố chỉ số PAPI sáng nay, 4/4 tại Hà Nội
TPO - Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy, đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng, tình trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trầm trọng hơn, vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.

Sáng 4/4, tại Hà Nội diễn ra lễ công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016.

Nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cho thấy, tổng quan kết quả cấp tỉnh năm 2016, chỉ số nội dung này tiếp đà sụt giảm của năm 2015.

Điểm số ở hai nội dung thành phần gồm “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương” và “quyết tâm chống tham nhũng” đều giảm đáng kể. Số người trả lời cho rằng cần phải bôi trơn, lót tay để có thể xin được việc làm vào khu vực công, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để học sinh trường tiểu học công lập được thầy, cô giáo quan tâm hơn, và cán bộ chính quyền sử dụng công quỹ vào mục đích riêng đều tăng lên so với hai năm trước.

Tuy nhiên, năm 2016 cũng ghi nhận một số điểm sáng ở nội dung “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công”. Tỷ lệ người dân cho rằng phải “chung chi, bồi dưỡng” để được chăm sóc tốt hơn ở bệnh viện công tuyến quận, huyện giảm so với năm 2015.

Đáng chú ý, qua 6 năm qua, các tỉnh miền Trung và miền Nam có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công hơn so với các tỉnh phía Bắc.

Ở nội dung kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, nghiên cứu năm 2016 cho thấy người dân ít lạc quan hơn. Tỷ lệ người trả lời đồng ý với nhận định cho rằng cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng, không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân tiếp tục giảm.

Ở lĩnh vực tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, phát hiện nghiên cứu PAPI 6 năm qua khẳng định mối quan ngại của người dân về vấn nạn của chủ nghĩa vị thân và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Xu thế ổn định ở mức thấp ở chỉ tiêu “quan hệ cá nhân với người có chức, có quyền mới xin được việc trong khu vực công là không quan trọng”. Trong suốt 6 năm từ 2011 – 2016, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số này chỉ dao động từ 1 điểm đến 1,3 điểm trên thang điểm từ 0 – 5 (trong đó 5 là mối quan hệ không quan trọng chút nào).

Tiền Giang là địa phương đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu này (2,04 điểm) song cũng chỉ ở mức dưới trung bình. Ở Lào Cai, đa số người trả lời tin rằng cần để xin việc làm trong khu vực công cần có quan hệ cá nhân.

Về hiện trạng “lót tay” khi xin việc trong khu vực công, năm 2016, chỉ khoảng 15% số người trả lời ở Thái Nguyên cho rằng, họ không cần phải đưa lót tay mới xin được việc làm trong khu vực công, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 66% ở Trà Vinh, tỉnh đạt điểm cao nhất ở chỉ tiêu này.

Báo cáo PAPI 2016 cũng cho thấy, chỉ 32,6% người trả lời cho biết chính quyền cấp tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương, tỷ lệ thấp nhất trong vòng sáu năm qua. Ở Quảng Bình, tỷ lệ này là 65%, cao nhât toàn quốc và ở Bình Dương chỉ là 8,6%, thấp nhất cả nước.

Quyết tâm chống tham nhũng vẫn “ổn định” ở mức thấp ở chỉ tiêu về quyết tâm của người dân trong việc tố giác các hành vi tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ chính quyền: chỉ có khoảng 3% số người đã bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền trong năm 2016.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người trả lời trên toàn quốc tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới 25,6 triệu, cao hơn mức trung bình khảo sát năm 2015.

Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là kết quả của  công trình nghiên cứu chung giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp từ T.Ư đến địa phương, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG