50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Khánh thành Bia tưởng niệm Đội 5 Biệt động Sài Gòn

Khánh thành Bia tưởng niệm Đội 5 Biệt động Sài Gòn
TPO - Bia tưởng niệm Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được khánh thành tại Dinh Thống Nhất (TPHCM) là sự tri ân đối với những chiến sĩ của Đội 5 anh hùng đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Sáng 26/1, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM tổ chức lễ khánh thành Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Đến dự lễ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và TPHCM: Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Đảm, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Thanh Hải, Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM...

Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) là công trình nhằm tưởng niệm các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Khu Sài Gòn - Gia Định đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, đánh vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của địch, là những người một thời đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, sống trọn nghĩa vẹn tình với Tổ quốc, với đồng bào, đồng chí.

Bia tưởng niệm có hình lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc; hình tượng đốt tre thể hiện nét đặc trưng trong kiến trúc của Dinh Độc Lập. Bia có chiều cao 4,5 mét, gồm 3 bục, có chất liệu đá granit...

Khánh thành Bia tưởng niệm Đội 5 Biệt động Sài Gòn ảnh 1 Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và TPHCM dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Đội 5 Anh hùng tại Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đặt tại Dinh Độc Lập - Ảnh: NGÔ TÙNG
Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại Dinh Độc Lập tri ân với dòng chữ: “Nơi đây ghi dấu chiến công oanh liệt của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Vào lúc 1 giờ 30 ngày 31 tháng 01 năm 1968 (rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), 15 chiến sĩ Đội 5 - Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tấn công vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Sau hơn một ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đối đầu với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn về hỏa lực, cán bộ, chiến sĩ Đội 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh, 7 chiến sĩ sa vào tay giặc. Đời đời biết ơn các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc khánh thành thêm bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống nhất) không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Lực lượng vũ trang thành phố, mà còn là dịp tuyên truyền thiết thực truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, xứng đáng với các thế hệ tiền nhân, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố anh hùng”.

Khánh thành Bia tưởng niệm Đội 5 Biệt động Sài Gòn ảnh 2
Khánh thành Bia tưởng niệm Đội 5 Biệt động Sài Gòn ảnh 3
Khánh thành Bia tưởng niệm Đội 5 Biệt động Sài Gòn ảnh 4 Các cán bộ lão thành, cựu chiến binh và chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, học sinh... thành kính dâng hương tưởng nhớ bậc tiền nhân 
Cùng với đó, thời gian qua UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng và khánh thành 10 di tích, 9 bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là công trình Khu tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Sáng cùng ngày cũng tại TPHCM, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM tổ chức triển lãm ảnh chào mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Triển lãm gồm có 186 ảnh, 2 bảng trích cùng các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Hội Mỹ thuật TPHCM, được trưng bày tại Công viên 30/4, Cung văn hóa Lao Động, trên đường Đồng Khởi và Nhà văn hóa Thanh niên gắn với các nội dung hướng đến các ngày lễ lớn của đất nước trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.