Xuân Mậu Thân 1968 và bài học ý Đảng, lòng dân

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Nhà nước, Bộ quốc phòng trao đổi bên lề hội thảo.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Nhà nước, Bộ quốc phòng trao đổi bên lề hội thảo.
TP - Sáng 29/12, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”. Với nhiều tư liệu mới, những cách nhìn mới, hội thảo đã có nhiều đánh giá khách quan và rút nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Sáng tạo lực lượng biệt động thành

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng ban Chỉ đạo hội thảo cho biết: “Cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, chúng ta tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu”. Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 “trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc”.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cũng có bài tham luận gửi hội thảo, phân tích những nét mới mà chiến dịch Mậu Thân 1968 đem lại, trong đó đề cao sự thành công trong công tác bảo mật, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy: “Đánh dấu bước phát triển trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam về tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ”.

Hội thảo thu hút 110 tham luận khoa học đến từ các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử. Trong đó, rất nhiều người vì tuổi cao sức yếu không đến dự hội thảo được, song những trang viết đầy nhiệt huyết làm người nghe xúc động. Ông Lê Mạnh Hà thay mặt cha mình là đại tướng Lê Đức Anh đọc tham luận của cha mình tại hội thảo. Tham luận của đại tướng Lê Đức Anh coi lực lượng biệt động thành là một nét mới trong lịch sử quân đội ta: “Tôi muốn nói thêm về lực lượng biệt động. Đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng ta - gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong lòng dân, hòa vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Biệt động là lực lượng chiến đấu, thực hiện những đòn đánh hiểm táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch ở các đô thị. Lực lượng biệt động Nam bộ ra đời từ kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển mạnh trong kháng chiến chống Mỹ”.

Tổng tiến công ngoại giao

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có bài tham luận nhan đề: “Vai trò của mặt trận ngoại giao trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968”. Bài viết đã “tiết lộ” nhiều “đợt tấn công” ngoại giao của Việt Nam song song với các đợt tấn công địch trên chiến trường.

Đợt 1 của tổng tiến công nổi dậy trên khắp các chiến trường thì đồng thời mở ra các hoạt động ngoại giao quan trọng mang tính bước ngoặt. Tổng thống Mỹ phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom khu vực bắc vĩ tuyến 20 và “sẵn sàng tiến tới hòa bình thông qua thương lượng”, và sẽ cử đại diện Mỹ đến bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Đến tháng 5/1968 Việt Nam chính thức đàm phán với Mỹ tại Pari nơi là trung tâm ngoại giao và báo chí của thế giới.

Trong thời gian diễn ra Tổng tiến công đợt 2 và đợt 3, Việt Nam đã yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện và không tăng chi viện cho miền Nam. Ngày 1/11/1968 Mỹ đã tuyên bố chấp nhận ngừng ném bom toàn miền Bắc, chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán bốn bên.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã được vận hành dựa trên “nguyên tắc kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, tạo sức mạnh tổng hợp; đồng thời đấu tranh ngoại giao cần  phát huy tinh thần độc lập, tích cực, chủ động nhằm đạt được muc tiêu chiến lược”.

Sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân

Theo thời gian, những giá trị của chiến thắng lịch sử được soi rọi, đồng thời cũng cho thấy những khó khăn gian khổ mà quân đội và nhân dân đã trải qua trong Mậu Thân 1968. Báo cáo đánh giá của Thành ủy TPHCM tại hội thảo nhận định: “Mang trong mình truyền thống Sài Gòn – Gia Định quật khởi, là chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định đã vượt qua khó khăn, tổn thất sau Mậu Thân, chuẩn bị lực lượng và thế trận để cùng cả nước, vì cả nước làm nên một đại thắng mùa Xuân 1975”.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa có tham luận với tựa đề: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 – sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân” đúc kết những thành quả của chiến dịch có được là nhờ  “Đảng, quân giải phóng đã huy động được lực lượng lớn đồng bào các tỉnh miền Đông Nam bộ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy”. Đến năm 1968, đã xây dựng được 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân mà phần lớn là ở rất gần những mục tiêu quan trọng của địch! Khi Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra, nhân dân miền Nam, từ Trị - Thiên, Khu 5, Nam bộ đồng loạt tham gia. Đó là do Tổng tiến công và nổi dậy  đã thể hiện được “khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước” của toàn dân tộc, từ Bắc tới Nam.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng bài học về sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị thời sự: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng do Đảng lãnh đạo. mục tiêu, lợi ích cao nhất của Đảng là phục vụ nhân dân, vì mục tiêu lợi ích của quần chúng nhân dân. Để thực hiện điều đó, Đảng ta luôn tự đổi mới, chính đốn, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Thực tế, theo đại tá thạc sĩ Đỗ Nhuận (Viện lịch sử quân sự Việt Nam) Khu 5 và Tây Nguyên tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 có 27.800 bộ đội chủ lực, song có tới 22.000 bộ đội địa phương và dân quân du kích hỗ trợ. Theo báo cáo của thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Phó chính ủy quân khu 7): “Theo số liệu thống kê, tổn thất của ta năm 1968 là rất lớn. Toàn miền Nam: hy sinh 44.824 người, bị thương 61.267 người, mất tích 4.511 người, trong đó chỉ tính riêng các tỉnh miền Đông Nam bộ thuộc địa bàn quân khu 7 hy sinh 14.121 người, bị thương 17.752 người, mất tích 1.907 người (…) Tính đến nay quân khu 7 đã tìm kiếm, quy tập được 1.253 hài cốt liệt sĩ trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968”. Thượng tá Nguyễn Văn Điền cũng cho biết tại Vĩnh Long, lực lượng dân quân du kích đã chủ động đánh nhiều đồn bốt địch để lấy vũ khí địch đánh địch, kết hợp với quần chúng nổi dậy giải phóng được 5 xã và phối hợp với các tiểu đoàn chủ lực tấn công vào thị xã. Các tham luận đều cho thấy quần chúng nhân dân đã bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần quan trọng vào tổng tiến công và nổi dậy, phản ảnh một thế trận toàn dân trong mùa Xuân 1968.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.