Không phải Nhà hát thành phố, cũng không phải Nhà hát Hòa Bình, chương trình Khánh Ly Live concert diễn ra ở Nhà thi đấu quân khu 7, vốn không phải thiết kế cho những buổi biểu diễn âm nhạc, trời đổ mưa và trên các nẻo đường cũng không nhìn thấy những tấm phướn quảng cáo, tuy vậy khán giả cũng đến khá đông trong nhà thi đấu nơi những chiếc ghế tạm được đặt trên sàn thi đấu và cộng thêm khán đài cũng lên tới sức chứa 4.000 người. Khán giả đến sớm và họ thường chụp chung với … tấm hình Khánh Ly đặt ở quầy vé.
Khán giả, nhất là những người mến mộ tiếng hát Khánh Ly ở TPHCM đã phải chờ đợi khá nhiều năm để được nghe tiếng hát của người chủ phòng trà trước 1975 và là một trong những tiếng hát quan trọng nhất trong đời sống âm nhạc miền Nam một thời. Có nhiều lý do để cắt nghĩa cho sự chậm trễ ấy, đầu tiên là một vài dư luận từ các nhà tổ chức cho rằng Khánh Ly đã từ chối một số chương trình kể cả lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống. Khán giả cũng xì xào lời đồn đại về mối nghi ngại rằng việc các ca sĩ danh tiếng một thời “ồ ạt” trở về Sài Gòn sẽ khiến đời sống âm nhạc nơi đây quá tải nhất là sau vụ ca sĩ Chế Linh không được biểu diễn do vi phạm quy chế, rồi có người còn phán nhau rằng “con đường về Sài Gòn của các ca sĩ chông gai lắm, họ thường diễn ngoài Bắc, ngoài Trung trước rồi mới về Sài Gòn”. Cũng có những khán giả khó tính đoán già đoán non rằng các danh ca khi trở lại Sài Gòn sẽ phải chịu một áp lực ở chính nơi họ đã thành danh hơn là những nơi khác vì tuổi đã xế chiều.… đủ thứ giai thoại như vậy trong lúc chờ sân khấu mở màn.
Buổi diễn trễ hơn nửa tiếng đồng hồ vì những cơn mưa và nhà thi đấu như vỡ òa khi Khánh Ly với chiếc áo dài màu cốm làng Vòng xuất hiện. Đánh tan mọi nghi ngờ về sự “chảnh” của mình khi chọn TPHCM là điểm diễn sau nhiều nơi khác, Khánh Ly nói: “Thú thật là suốt ngày hôm nay tôi không ăn gì vào bụng, không ngủ tí nào, hồi hộp chỉ mong đến giờ biểu diễn để gặp lại những khán giả của tôi sau hơn 40 năm xa cách”. Thậm chí trước giờ diễn cô còn xin tập thêm với ban nhạc để đảm bảo cho chương trình diễn ra như ý muốn. Khánh Ly khá gầy, nhưng cô vẫn toát lên một nghị lực và sự kiên định của một nghệ sĩ bậc thầy.
Các ca khúc Trịnh Công Sơn đã được Khánh Ly biểu diễn với sự giản dị, sâu lắng, không màu mè, đôi lúc các nghệ sĩ múa phụ họa và ánh sáng sân khấu cũng được sử dụng cố gắng tạo ra hiệu quả lạ mắt, nhưng suốt chương trình, danh ca chỉ mặc vài chiếc áo dài một màu và hầu như đứng im một chỗ khi hát. Chỉ vài lần cô bước đến vị trí đàn piano để gần hơn với người đệm đàn là nhạc sĩ Nguyễn Quang (con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) và Hồ Ngọc Hà.
Tiếng hát của Khánh Ly vẫn nồng nàn với những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, như một thứ sản phẩm nghệ thuật cực kỳ đặc trưng, in sâu trong tâm trí khán giả. Mặc dù thực tế thì mối “lương duyên âm nhạc” của Khánh Ly với Trịnh Công Sơn rất ngắn ngủi, chỉ từ năm 1967-1975, càng ngắn hơn nếu so với sự hợp tác âm nhạc giữa Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung từ 1991- 2001 hay với Trịnh Vĩnh Trinh là em gái nhạc sĩ. Nhưng phần lớn tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã được viết trong quãng thời gian trước 1975, như lời ông từng thổ lộ: “Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly" . Phải chăng chính việc Khánh Ly mở phòng trà ca nhạc cũng là để đưa tác phẩm của Trịnh Công Sơn đến gần hơn với khán giả lúc đó? Ca sĩ khách mời Ý Lan trên sân khấu cũng kể lại: “Từ bé, Ý Lan đã theo mẹ là Thái Thanh để xem mẹ hát trong phòng trà của cô Khánh Ly và không nghĩ đến một ngày sẽ được đứng chung với cô trên cùng một sân khấu ở Sài Gòn”. Ca sĩ Khánh Ly lại nói rằng chính ca sĩ Thái Thanh là “ngọn hải đăng” dẫn lối cho mình trên con đường nghệ thuật chông gai.
Khánh Ly nồng cháy trong đêm diễn ở TPHCM sau hơn 40 năm xa cách. Ảnh: T.N.A
Những tác phẩm được Khánh Ly biểu diễn trong lần tái ngộ với khán giả của mình sau quãng thời gian hơn 40 năm - mà như cô nói là “hầu hết những tác giả - những người thân yêu nhất đều đã ra đi”, bao gồm các ca khúc của Trịnh Công Sơn Mưa bay tháp cổ, Hạ trắng, Tuổi đá buồn, Dấu chân địa đàng, Một buổi sáng mùa xuân, Ca dao mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên, Như một lời chia tay, Để gió cuốn đi… ngoài ra cô còn biểu diễn một số ca khúc của Phạm Duy, Anh Bằng, Nguyễn Ánh 9… cùng với các ca sĩ trẻ Hồng Nhung, Quang Dũng, Quang Thành, Ý Lan.
Phần cuối chương trình, khi thời gian chia tay khán giả tới gần, Khánh Ly không cầm được những giọt nước mắt, nhất là khi cô hát ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên. Ca sĩ cũng nói rằng theo thời gian rồi cô cũng “đi theo” Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9 và những người khác nữa mà cô cũng chưa biết “có thiên đường hay không?”. Nhưng cô vẫn nhớ lời dặn của Trịnh Công Sơn là “Dù sao thì em vẫn cứ sống với một tấm lòng cho dù rồi gió cũng cuốn đi”, như ca từ của một bài của Trịnh Công Sơn.
Bước vào tuổi 72, với chương trình biểu diễn trực tiếp kéo dài 3 tiếng đồng hồ, nhưng Khánh Ly vẫn đủ sức cuốn hút khán giả và lấy được những tràng vỗ tay không ngớt làm nhiều khán giả thán phục. Người xem cảm giác như ca sĩ không hát, không diễn mà cô thể hiện những tác phẩm tự nhiên như hơi thở của mình, như tiếng lòng của mình, như những nỗi niềm cần phải sẽ chia cùng cộng đồng khán giả. Khánh Ly còn bật mí rằng trở lại hát giữa thành phố Sài Gòn thân yêu sau hơn 40 năm, trước những khán giả năm xưa vẫn trung thành với mình, cô thấy rõ rằng “tất cả chúng ta đều đã già”, nhưng Khánh Ly dí dỏm nói rằng: “Tôi cảm thấy như 72 tuổi mới bắt đầu biết yêu!”.
Anh Vũ, một huấn luyện viên bắn súng của ngành thể thao quận 1 đưa vợ đi xem, nhận xét: “Thật tuyệt vời! ở độ tuổi thất thập cổ lai hy mà Khánh Ly vẫn biểu diễn tới 11h30 với những ca khúc rất khó hát”. Hỏi anh Vũ có tiếc nuối gì khi xem Khánh Ly năm 2016 hay không, anh nói: “Chỉ tiếc buổi diễn vừa xong thì khán giả vây kín Khánh Ly, muốn chụp một tấm hình lưu niệm với ca sĩ mà không sao chen chân được!”.